Bạn trẻ Hàn Quốc cảm thấy thiệt thòi và tốn kém khi phải chi tiêu nhiều khi bạn bè lập gia đình - Ảnh: Getty
Người độc thân phải tặng quà cho những người bạn đã kết hôn trong nhiều sự kiện, trong khi cơ hội được hoàn đáp là "bóng chim tăm cá".
Viết về những người có ý định độc thân suốt đời, Hankook Ilbo, tờ báo chung chủ quản với The Korea Times, kể trường hợp của Kim, một nhân viên văn phòng 30 tuổi có nhóm bạn cấp 3 hầu hết đã kết hôn hoặc đang có ý định kết hôn.
Khi có người mang thai, một người bạn khác đã gợi ý nên tổ chức một "bữa tiệc tiết lộ giới tính", mỗi người tốn xấp xỉ 300.000 won (gần 6 triệu đồng). Thông thường, bữa tiệc sẽ do một công ty chuyên về sự kiện chuẩn bị, bao gồm bánh kem, bóng bay và các đồ trang trí đi kèm để công bố giới tính thai nhi.
Kim kể cô đã chi 200.000 won (4 triệu đồng) cho "tiệc độc thân" của cô dâu, và 100.000 won (2 triệu đồng) làm quà cưới cho người bạn đó. Cô ấy cũng chỉ ra những sự kiện mình phải chúc mừng bạn, như tiệc tân gia, quà mừng em bé ra đời, dịp em bé thôi nôi. "Là một người độc thân, tôi chẳng có sự kiện nào như vậy để 'thu lại' cả", cô nói.
Tờ báo cũng đưa ra trường hợp một người đàn ông độc thân quyết định không đi đám cưới nữa. Anh tự hỏi rằng tại sao mình phải tiêu tiền và dành thời gian cho những dịp này, trong khi anh ấy có thể sẽ không bao giờ thu hồi vốn được.
Những lời than phiền, kêu ca của những người lựa chọn không kết hôn ngày càng tăng, vì những chuẩn mực ở Hàn Quốc vẫn xem hôn nhân là bắt buộc, mặc dù các số liệu cho thấy đã có quan điểm thông thoáng hơn.
Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea), chỉ 16,8% người Hàn Quốc cho rằng hôn nhân là "bắt buộc", trong khi 41,4% xem đó là tùy lựa chọn. Một cuộc khảo sát khác do các cổng thông tin việc làm Job Korea và Albamon cho ra kết quả cứ 1 trên 4 người ở độ tuổi 20 và 30 có dự định không kết hôn.
Với nam giới, họ cho rằng giá nhà ở tăng cao và chi phí nuôi dạy con cái khiến họ ngại kết hôn. Lý do của nữ giới là họ căng thẳng với các mối quan hệ gia đình mới, phải tham gia vào các sự kiện gia đình vì đã kết hôn, ngoài ra còn có lý do họ mong muốn tập trung vào bản thân.
Tờ Hankook Ilbo cũng chỉ ra việc đối xử bất công với những người đang sống thử hoặc sống chung khi chưa kết hôn. Theo khảo sát của Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc, hơn một nửa số người đang sống chung ngoài hôn nhân cho biết họ không được hưởng phúc lợi của công ty và phúc lợi thuế nhà nước dành cho gia đình.
TTO - Kết quả khảo sát trực tuyến với hơn 65.200 người đi làm thuộc 20 ngành nghề ghi nhận chỉ 40% muốn quay lại công sở hoàn toàn, có đến 56% ưu tiên chọn hình thức làm việc kết hợp.