NATO mà kết nạp Phần Lan, Thụy Điển sẽ “lãnh hậu quả nghiêm trọng về quân sự, chính trị”, đài RT dẫn lời cảnh báo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 25-12.
Theo lời bà Maria Zakharova - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Moscow luôn chú ý những nỗ lực dai dẳng của NATO nhằm “lôi kéo các quốc gia đó vào quỹ đạo lợi ích và các chính sách cơ hội” của khối này.
“Rõ ràng là Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO… sẽ có những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng đòi hỏi phải có phản ứng tương xứng từ phía Nga” - bà Zakharova cảnh báo.
Moscow xem chính sách không tham gia bất kỳ liên minh nào theo truyền thống của Thụy Điển và Phần Lan là “một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định ở Bắc Âu”, theo Zakharova.
NATO thời gian gần đây bày tỏ sự hài lòng về sự hợp tác ngày càng sâu sắc với Phần Lan và Thụy Điển, những quốc gia “chia sẻ” các giá trị của khối và đóng góp vào các hoạt động của khối.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) trong một gặp Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven tại Stockholm (Thụy Điển). Ảnh: REUTERS
Tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6, liên minh quân sự NATO do Mỹ lãnh đạo tuyên bố sẽ tăng cường hơn nữa những mối quan hệ đó "nhằm hỗ trợ an ninh chung của chúng ta, bao gồm cả việc chuẩn bị xử lý khủng hoảng, các cuộc tập trận, trao đổi thông tin và phân tích”.
Tuyên bố tương tự cũng được lặp lại trong chuyến thăm của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tới Stockholm (Thụy Điển) và Helsinki (Phần Lan) vào cuối tháng 10.
Đầu tháng này, Moscow đã ban hành hai văn bản - một gửi cho NATO và một gửi cho Mỹ - yêu cầu đảm bảo an ninh cho tất cả các bên. Các đề xuất bao gồm việc hạn chế sự tăng hiện diện của NATO gần biên giới Nga và loại trừ việc mở rộng khối này.
Về các đề xuất của Moscow, Zakharova nhắc lại rằng "loại trừ việc mở rộng NATO và triển khai các hệ thống vũ khí đe dọa an ninh của chúng tôi gần biên giới Nga sẽ là những vấn đề chính, then chốt tại các cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ và NATO”.
Các nhà chức trách Thụy Điển chỉ trích đề xuất của phía Nga, cho rằng “việc từ chối bất kỳ sự mở rộng nào trong tương lai của NATO sẽ làm giảm cơ hội đưa ra các lựa chọn chính trị độc lập”.
Chính phủ Phần Lan cũng nhấn mạnh rằng mình cần phải có "cơ hội quốc gia để điều động", bao gồm cả việc xin gia nhập NATO.