Diễn viên Hoàng Nhân trong một cảnh quay - Ảnh: ĐPCC
1. Từng ngày trôi qua giữa rừng, tôi luôn thấy cô cặm cụi tác nghiệp cùng êkip, làm việc hơn 16 tiếng mỗi ngày. Dù sáng sớm tinh mơ hay giữa đêm lạnh giá giữa rừng, khi nhiều thanh niên trai trẻ khác kiệt sức, ngủ vội la liệt giữa các set quay, cô vẫn ngồi đó, cùng cây viết, cây đèn pin cầm tay và căng mắt theo dõi, chỉnh sửa các lỗi còn sót.
Tranh thủ giờ cơm ngắn ngủi, tôi hỏi cô: "Đã tầm tuổi này rồi, sao cô không nghỉ ngơi, theo chi công việc vất vả sớm hôm như thế này?". Cô lùa cơm, thở dài nhìn xa xăm ra vạt rừng gió xào xạc.
Cô nói gần nửa năm nay cô bó chân ở nhà, có làm được gì đâu. Nhớ nghề đến cồn cào, khi mọi thứ yên ổn đôi chút, cô xách balô theo ngay các đoàn phim.
Cô làm việc để thấy mình còn có ích, và nhất là để Tết này, khi về quê ở Nha Trang, cô có thể tự tay lo lắng chu toàn mọi thứ cho cái Tết của gia đình. Nghĩ đến cảnh đoàn viên của gia đình ngày Tết, cô thấy mình có sức mạnh...
2. Nghệ sĩ Hoàng Nhân là thành viên "già" thứ hai trong đoàn. Nhìn chú nhiệt tình diễn xuất giữa hàng loạt phân cảnh, bất kể ngày đêm, leo rừng lội suối, tôi cũng thấy bùi ngùi thay.
Lựa lúc, tôi cũng hỏi chú câu hỏi như trên, chú vuốt chòm râu bạc, cười khề khà rồi nói: "Kể từ lúc đóng trong phim Mùa len trâu đến nay, chú cảm giác mình chỉ hợp với người khổ.
Sống được với nghề, với đam mê, và nhất là để Tết này chú có thể chăm lo chu đáo cho gia đình hai bên những ngày Tết, cực khổ cỡ nào chú cũng chịu hết. Miễn là Tết này được về nhà, được sum vầy với người thân là chú vui rồi con. Già rồi mới hiểu gia đình là số 1!".
Không phải chỉ người "già" mới thấy thiêng liêng hai tiếng gia đình những ngày Tết, nhiều người trẻ khác trong đoàn cũng cảm thấy "xốn xang" khi Tết về. Bắp là chàng trai 24 tuổi và là diễn viên extra (chuyên vai phụ, vai nhỏ).
Bắp thuê phòng trọ và "đói" tả tơi gần nửa năm nay. Giờ Bắp cày hết tất cả các vai, chạy ngược xuôi giữa các đoàn, cũng chỉ để Tết này có thể có chút đỉnh, dắt díu vợ về quê ăn Tết. Tôi nhớ nụ cười khì của Bắp khi hỏi về Tết, Bắp nhoẻn miệng: "Đi đâu thì đi, Tết thì phải về nhà chứ anh"...
3. Dù thế nào thì những phận đời mà tôi gặp, khi đối diện với câu hỏi "Tết này về nhà không?", ai cũng dong đôi mắt xa xăm.
Như khi về lại TP.HCM lúc tờ mờ sáng, tôi đặt cuốc xe công nghệ, vẫn còn tài xế, đó là chàng thanh niên 19 tuổi. Bạn trẻ ấy quê Bến Tre và chạy xe gần 20 tiếng mỗi ngày.
Tôi hỏi về Tết, bạn ấy chỉ cười... rồi im lặng. Lúc tôi xuống xe, bạn trẻ ấy mới gượng cười: "Em tranh thủ bào, để Tết có tiền về lì xì cho cha. Má em mất lâu rồi, giờ còn mỗi cha và mấy chế, Tết không về không được!".
Nhiều đôi mắt xa xăm nhìn Tết về gần. Tôi biết những ánh nhìn đó chở nặng những suy tư, bất chấp mọi vất vả đeo mang, miễn cái Tết trước mắt tròn chữ sum vầy. Có lẽ chính vì vậy, Tết dẫu vương mang gánh nặng nỗi niềm cho nhiều phận đời, nhưng cũng chỉ là cái cớ dịch chuyển mọi thương yêu.
Tết này con có về được không
Khu vực nhà dân ở huyện Tuy Phước (Bình Định) bị nước lũ nhấn chìm trong trận mưa vừa qua - Ảnh: LÂM THIÊN
Ngày bão tháng 10
Con vội vã điện về khi nghe tin quê mẹ đón bão. Từng tiếng chuông điện thoại kéo dài nặng trĩu, rồi mẹ cũng bắt máy. Vẫn như mọi năm, mẹ phân bua đủ chuyện cho con cái trong này yên lòng. Nào là bão về ngày nào, cấp bao nhiêu. Mẹ và ba ngoài đó đã chuẩn bị sẵn mọi chuyện, "chỉ là bão thôi mà".
Là người miền Trung, còn ai xa lạ chuyện bão tố theo nhau kéo về từ tháng 10. Nhưng khi mẹ cứ ráo hoảnh coi bão là chuyện "bình thường" thì con cái nơi xa cứ thấy áy náy trong lòng.
Nơi các con ở chưa hề biết mùi gió bão, nhưng cứ mỗi năm, khi tin tức trên các báo đài bắt đầu thông báo từng con bão lũ lượt đổ bộ càn quét khúc ruột ngoài đó, đứa con nào lại không thấy lòng xốn xang.
Tháng 11, dịch bệnh bủa vây...
Mẹ điện vào, xóm nhỏ ngoài quê đang hứng chịu cơn bão dịch bệnh COVID-19 càn quét. Từ nhà bà Năm, nhà ông Tám, hay căn nhà hàng xóm nào đó mà đám con chỉ còn nhớ mang máng, cũng đã bị nhiễm bệnh, chính quyền xuống giăng dây, phong tỏa luôn cả xóm nhỏ. Rồi từ đó, cứ mỗi ngày tình hình dịch bệnh càng nghiêm trọng thêm.
Chợ quê cũng đã đóng cửa. Giữa xóm vắng im lìm phảng phất những sợ hãi mơ hồ, ba mẹ vẫn hướng về nơi con cháu. Lần đầu tiên trong đời, các con thấy mẹ lo sợ.
Mẹ đã biết dịch bệnh nguy hiểm và bất chợt đem đến tai ương như thế nào. Mẹ sợ nơi xa, con cháu của mẹ không an toàn dù vắc xin ai cũng đã được chích đầy đủ...
Tháng 12, miền quê chìm trong lũ lớn
Tháng 12 đã về, mùa xuân mới đã lấp ló hé lộ những hy vọng vui tươi cho mọi người, thì bất thần lũ lụt từ đâu kéo về quê mẹ.
Mỗi lần điện về hỏi thăm mẹ, chẳng biết mẹ đã quá mệt mỏi vì tai ương hay vì tiếng mưa xối xả từng chập, khiến cho hai đầu nhớ thương cứ phập phồng, đứt quãng theo mưa gió. Mưa trắng trời ngày đêm. Nước sông Cái quê mẹ trở nên hung hãn nước tràn bờ. Các trạm thủy điện cũng bất ngờ xả lũ...
Quê mẹ giờ bàng bạc màu nước. Giọng mẹ buồn buồn, tiếng thở dài não nề: "Mồ mả ông bà tổ tiên cũng đang nằm trong dòng nước ngầu đục". Tháng 12 tai ương vẫn chưa dứt.
Nơi con ở ngập tràn ánh nắng, mọi thứ xung quanh đang dần trở lại bình thường đầy sinh lực, dù dịch bệnh vẫn còn là nỗi lo. Và như mọi lần mẹ vẫn im không nói gì về mình, mẹ chỉ có nỗi lo duy nhất "chẳng biết Tết này, mấy đứa có về nhà được không?"...
TTO - Từ quê, má Tám gởi hình con mèo nhỏ, giờ đã lớn, đang đu trên ngọn mai lão. Rồi má nhắn: Nó nghe tiếng xe, tưởng con về đó. Con mèo nhỏ. Con đi tiếp sức đội chống dịch. Lụm nó co ro trong mưa ướt.
Xem thêm: mth.58615329152211202-nag-ev-tet-nihn-max-ax-tam-iod/nv.ertiout