Mới đây, Campuchia đã khai trương sân vận động quốc gia mới Morodok Techo, tọa lạc ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, trị giá 150 triệu USD với sức chứa 60.000 chỗ ngồi, và do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại. Nước này hiện đã sẵn sàng cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 2023).
"Sân vận động [Morodok Techo] đóng vai trò như một cây cầu kết nối trái tim của nhân dân hai nước [Campuchia và Trung Quốc]", người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan khẳng định.
Bài bình luận của Khmer Times
Nhân sự kiện khai trương sân vận động Morodok Techo, báo Khmer Times của Campuchia đã đăng tải bài bình luận khen ngợi sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, bởi Campuchia cũng nhận được nhiều hỗ trợ từ Trung Quốc thông qua sáng kiến này.
Sau đây là nội dung lược dịch của bài bình luận nói trên.
LÀO, CAMPUCHIA HƯỞNG THÀNH QUẢ
Trong buổi lễ khánh thành cây cầu Hữu nghị Campuchia-Trung Quốc thứ tám vào tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Hun Sen đã cảm ơn sáng kiến Vành đai và Con đường vì những lợi ích mà sáng kiến này mang lại cho người dân Campuchia. Ông cũng gửi lời cảm ơn Trung Quốc vì đã cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho Campuchia.
Theo Khmer Times, nguồn cung vaccine của Trung Quốc đã giúp đỡ Campuchia rất nhiều để nước này đạt được tỷ lệ tiêm chủng đáng nể - tính đến ngày 15/12, Campuchia đã tiêm đủ 2 liều vaccine cho 13,56 triệu người, tương đương 84,8 phần trăm dân số.
Là một trong 29 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ đối tác với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường, đặc biệt là hợp tác về vaccine và phát triển xanh, Campuchia cũng đang xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine Sinovac với sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Trong khi đó, người láng giềng của Campuchia là Lào cũng vừa khánh thành dự án đường sắt cao tốc Lào-Trung cùng nhiều kỳ vọng sẽ giúp quốc gia này và Đông Nam Á phát triển kinh tế.
Sân vận động Morodok Techo của Campuchia, công trình sân vận động lớn thứ 3 tại Đông Nam Á, đã sẵn sàng cho SEA Games 2023 và các chương trình hậu COVID-19. Ảnh: Twitter
Lào là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á không giáp biển. Vào tháng 12 này, giấc mơ trở thành trung tâm kết nối trên đất liền của Lào đã có bước nhảy vọt khi dự án đường sắt cao tốc Lào-Trung chính thức đi vào hoạt động.
Dự án đường sắt cao tốc đầu tiên tại Lào cũng thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Bình luận về sự kiện khánh thành đường sắt cao tốc Lào-Trung, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, nói rằng đây là "khoảnh khắc đáng tự hào và ước mơ của tất cả các dân tộc Lào", theo Tân Hoa Xã.
Thông tin về dự án đường sắt cao tốc Lào-Trung Quốc. Nguồn: Hoàn Cầu
Châu Á - Thái Bình Dương là nơi có mạng lưới cơ sở hạ tầng liên tục được mở rộng, với nhiều dự án như xây dựng các cây cầu, đập nước, đường cao tốc, đường dây điện và đường sắt mới, cùng nhiều dự án khác thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường.
Theo Khmer Times, ngay cả đại dịch COVID-19 cũng không khiến tiến độ của các dự án thuộc Vành đai và Con đường bị ngăn trở quá lâu. Chẳng hạn, công ty East Coast Rail Link của Malaysia đã tiêm phòng đầy đủ cho gần như toàn bộ nhân viên của họ vào tháng 10.
141 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế, bao gồm 19 cơ quan của Liên hợp quốc, đã tham gia dự án Vành đai và Con đường.
TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT CỦA TRUNG QUỐC
Tại Bangladesh, dự án xây dựng cây cầu Padma trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sắp hoàn thành.
Cây cầu đường sắt này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở phía Tây Nam của quốc gia này, đồng thời hoàn thành một mắt xích quan trọng trong kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt xuyên châu Á của Trung Quốc.
Cầu Padma có 40 trụ chìm dưới đáy sông đầy cát. Theo kỹ sư dự án người Bangladesh, Dewan Muhammad Abdul Kader: "Mỗi cầu tàu và nhịp cầu đều có vô số thách thức" đối với các kỹ sư Trung Quốc.
Đường sắt cao tốc Lào-Trung đi qua 75 đường hầm trên đoạn thuộc lãnh thổ Lào dài 422 km. Để khắc phục những thách thức về địa chất, các kỹ sư Trung Quốc đã sử dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến - ở Lào và trong các dự án Vành đai và Con đường ở những nơi khác.
Các tiêu chuẩn về kỹ thuật và quản lý của Trung Quốc được áp dụng trong tất cả các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường. Hệ thống thực tế ảo (VR) tạo ra môi trường đào tạo an toàn giúp bảo vệ người lao động Malaysia, trong khi những thiết bị hiện đại như máy đào hầm của Trung Quốc giúp thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt ở miền Đông nước này.
Cây cầu đường sắt Padma tại Bangladesh sắp hoàn thành
Giai đoạn II của dự án xây dựng Xa lộ Karakoram, một phần của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, được tuần báo Engineering News-Record của Mỹ bình chọn là một trong những dự án tốt nhất trên thế giới vào tháng 9/2021.
XANH VÀ SẠCH
Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ không xây dựng thêm bất cứ nhà máy nhiệt điện nào, mà thay vào đó là số lượng lớn các dự án nhà máy thủy điện đã, đang hoặc đang được lên kế hoạch xây dựng.
Theo Khmer Times, đang chú ý, đập thủy điện Sirindhorn ở Đông Bắc Thái Lan còn kết hợp sản xuất cả điện mặt trời. Chính phủ Thái Lan có kế hoạch nhân rộng mô hình này ở 15 địa điểm khác - nhằm thực hiện cam kết giảm khí thải.
Khmer Times cho biết: Tất cả các dự án thuộc Vành đai và Con đường đều được xây dựng theo cách thân thiện với môi trường, với ưu tiên là bảo vệ hệ sinh thái địa phương. Chẳng hạn, việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc mới đã tạo ra khoảng 110.000 việc làm ở Lào, nhưng tuyến đường vẫn xanh tươi như thời điểm trước khi thi công.
Kỹ sư trưởng Huang Daiwen cho biết: "Sau khi hoàn thành công trình, chúng tôi còn phủ xanh lại khu vực. Điều này không chỉ thể hiện trình độ kỹ thuật cao, mà còn là vấn đề đạo đức. Chúng tôi muốn khu vực đường sắt gần giống như nguyên trạng".
Đối với các dự án xây đập thủy điện, Khmer Times cho hay việc bảo vệ môi trường sống cho động vật hoang dã trên cạn cũng được tính đến, ví dụ các dự án xây đập trên sông Nam Ou ở Lào sau đó đã bổ sung thêm cá con của các loài cá bản địa để đảm bảo "sức khỏe" của sinh quyển và sinh kế của người dân địa phương./.