Thời gian qua giá cổ phiếu bất động sản trên thị trường chứng khoán (gồm bất động sản khu công nghiệp và dân dụng) đã liên tục tăng nóng, thậm chí không chỉ tăng một nhịp mà đến hai, ba nhịp. Trong đó, có những cổ phiếu giá tăng gấp 2-3 lần.
Giữa lúc nhóm cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh thì 4 khu đất tại Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) cũng được đưa ra đấu giá tại TPHCM. Và mức giá trúng thầu cao kỷ lục, trường hợp cao nhất đạt 2,4 tỉ đồng/m2, cao gấp 8 lần mức giá khởi điểm.
Theo đó, có nhiều lý giải cho rằng, chính mức giá trúng thầu 4 khu đất tại Thủ Thiêm đã kích giá cổ phiếu nhóm bất động sản tăng nóng.
Tuy nhiên, giới đầu tư chứng khoán trong khoảng 2-3 tháng trở lại đây hoàn toàn có thể so sánh, đối chiếu: Các cuộc đấu giá diễn ra vào ngày 10.12 tại TPHCM, thời điểm mà nhiều cổ phiếu bất động sản đã tăng giá khá mạnh, và sau thời điểm trên vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Đơn cử DIG (bất động sản dân dụng), là một trong những mã cổ phiếu tăng mạnh nhất trong thời gian qua. Giá DIG tăng một mạch từ đầu tháng 10.2021 từ ngưỡng 30.500 đồng, tới ngày 10.12 đạt mức 68.500 đồng, sau đó tăng tiếp và đến thời điểm ngày 24.12 dừng ở mức giá 90.000 đồng.
Hay mã NLG (bất động sản dân dụng), ngày đầu tháng 10.2021 ở mức giá 41.300 đồng, tới ngày 10.12 đạt ngưỡng 55.900 đồng, và kết thúc phiên ngày 24.12 dừng ở mức 60.700 đồng.
Với nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, như SZC, tại ngày 1.10 có giá là 47.100 đồng, tới ngày 10.12 đạt mức 63.200 đồng, và kết thúc phiên ngày 24.12 đang ở mức 64.800 đồng.
Với 2 trường hợp cổ phiếu là DIG và NLG, có thể thấy mức tăng giá giai đoạn trước ngày 10.12 nhiều hơn so với giai đoạn sau đó. Cụ thể, DIG có mức tăng trước 10.12 là 38.000 đồng, sau 10.12 là 21.500 đồng; còn NLG lần lượt tăng tương ứng 14.600 đồng và 4.800 đồng.
Thậm chí trường hợp SZC, trước thời điểm ngày 10.12 giá tăng 16.100 đồng, giai đoạn sau chỉ tăng vỏn vẹn 1.600 đồng. Như vậy, mức tăng giá của giai đoạn trước nhiều hơn gấp 10 lần so với mức tăng giá của giai đoạn sau.
Từ diễn biến giá thực tế của một số mã có mức tăng khá điển hình trong nhóm cổ phiếu bất động sản thời gian vừa qua có thể thấy, việc tác động từ các cuộc đấu giá thành công 4 khu đất tại Thủ Thiêm (TPHCM) là không rõ ràng. Hay nói đúng hơn, nhận định và dư luận như những ngày qua là không có cơ sở.
Theo anh Đỗ Quang Khải – chuyên viên môi giới của Công ty chứng khoán FPT, trên thực tế nhóm cổ phiếu bất động sản tăng giá diễn ra trước thời điểm tổ chức các cuộc đấu giá 4 khu đất ở Thủ Thiêm. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mã cổ phiếu hưởng lợi từ các cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm, như mã CII.
Giá cổ phiếu CII tại ngày 1.10 là 18.500 đồng, đến ngày 10.12 đạt mức 27.950 đồng, tăng 9.450 đồng. Ở giai đoạn sau tính đến thời điểm kết phiên giao dịch ngày 24.12, CII cán mức giá 39.000 đồng, tương ứng tăng 11.050 đồng. Mức tăng của giai đoạn sau cao hơn mức tăng của giai đoạn trước khoảng 17%.
Tuy nhiên, trường hợp tăng giá như CII là không nhiều. Nhìn chung, nhóm cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh trong vòng 2-3 tháng trở lại đây xuất phát từ kỳ vọng quý IV/2021 thị trường bất động sản sẽ nóng trở lại (bất động sản dân dụng), và nhu cầu thuê đất khu công nghiệp để mở xưởng sản xuất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Thêm nữa, sự thúc đẩy đầu tư công cũng gián tiếp giúp cho giá cổ phiếu bất động sản gia tăng vì có nhiều liên quan với nhau.