Các doanh nghiệp Nhà nước đang được Nhà nước giao quyền sử dụng và quản lý một diện tích rất lớn đất đai, nhà và công trình trên đất trên khắp cả nước. Đa phần nằm ở các vị trí đắc địa có giá trị rất lớn. Tuy nhiên, nhiều vụ việc gần đây ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương đã cho thấy, những tài sản này của Nhà nước bị rơi vào tay tư nhân với giá quả rẻ và quá dễ. Tài sản của Nhà nước bị rơi vào tay tư nhân phần nhiều là trong quá trình Nhà nước thoái vốn khỏi doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa và liên doanh, liên kết.
Tổng công ty 3/2 từng là một trong những doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất tỉnh Bình Dương thực hiện cổ phần hóa vào năm 2015. Theo phương án sử dụng đất khu đất 43 ha và phần góp vốn của Tổng công ty tại Công ty tư nhân Tân Phú được bàn giao về Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương. Nhưng chỉ năm sau, Tổng công ty này không thực hiện theo phương án đã được duyệt mà chuyển nhượng khu đất 43 ha cho công ty Tân Phú.
Điểm đáng nói, giá áp hợp đồng là bảng giá đất của 6 năm trước. Giá trị 43 ha đất thời điểm chuyển nhượng 2016 là hơn 552 tỉ đồng nhưng áp giá của năm 2010 chỉ còn hơn 250 tỉ đồng, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 302 tỉ đồng.
Sau đó, Tổng công ty 3/2 lại thoái vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Công ty Âu Lạc đã tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho doanh nghiệp khác. Đồng thời trong quá trình cổ phần hóa, Tổng công ty này cũng bỏ quên không tính giá trị khu đất 145 ha gây thiệt hại trên 1.648 tỷ đồng.
Câu chuyện trên là một trong nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến định giá, chuyển nhượng trái phép đất đai trong quá trình cổ phần hóa. Theo Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định tăng giá trị phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thêm gần 15.500 tỷ đồng. Một phần lớn số tiền chưa được tính đúng tính đủ là từ đất đai.
Công tác cổ phần hóa đã kéo dài nhiều năm, nhiều quy định quy trình được đưa ra nhằm kiểm soát quá trình này tránh thất thoát tài sản của nhànước nhưng thực tế lại cho thấy. Nhưng thực tế cho thấy thiệt hại của Nhà nước, nhất là về đất đai không hề giảm.
Con số thất thoát khổng lồ từ đất đai trong quá trình cổ phần hóa đã cho thấy nhiều lỗ hổng quá lớn. Nhưng đến nay những thiệt hại của nhà nước chỉ được biết đến sau khi các vụ biến đất công thành đất tư được phanh phui mà vụ nào cũng rất lớn.
Lộn xộn quản lý đất cho thuê
Quản lý đất cho thuê tại các doanh nghiệp Nhà nước cũng là một vấn đề lớn. Theo ghi nhận của phóng viên VTV, dự án bãi tắm Thùy Vân là khu du lịch biển nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu nhưng suốt 25 năm qua, tất cả những doanh nghiệp sử dụng khu đất lại không đóng tiền thuê đất, lên đến hơn 320 tỷ đồng.
Giải thích cho vấn đề này, Cục thuế tỉnh cho biết nguyên nhân là không nhận được thông tin nào từ phía các cơ quan liên quan.
"Để tính ra được tiền thuê đất, cơ quan thuế cần phải có đầy đủ các thông tin như thông tin từ cơ quan quản lý đất đai, thông tin về giá thì chúng tôi mới có thể tính ra được số tiền thuê đất phải nộp của các doanh nghiệp", ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói.
Năm 1996, khu đất được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước - Công ty đầu tư xây lắp thuê trong 50 năm để xây dựng bãi tắm Thùy Vân. Là cơ quan ký hợp đồng cho thuê đất, tuy nhiên Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu không thực hiện các thủ tục chỉnh lý đất đai theo quy định dẫn tới cơ quan thuế không có phương án, đơn giá và hợp đồng cho thuê lại để tính tiền thuê đất.
Ông Phan Văn Mạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay: "Việc theo dõi cũng như kiểm tra, giám sát hợp đồng thuê đất của Công ty cổ phần đầu tư xây lắp trước đây có thiếu sót".
Vậy quy trình giám sát hợp đồng cho thuê đất như thế nào để dẫn tới nhiều năm Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn không phát hiện ra các sai phạm - PV?
"Trước đây không có quy định rõ về quy trình, hiện nay theo Luật Đất đai 2013 mới có quy trình về vấn đề này", ông Phan Văn Mạnh nói.
Bãi tắm Thùy Vân là khu du lịch biển nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu.
Công ty đầu tư xây lắp sau khi được thuê khu đất đã chia nhỏ 28 ha đất cho nhiều doanh nghiệp khác thuê lại, hay còn gọi là doanh nghiệp thứ phát nhưng không ký hợp đồng thuê đất, thuê hạ tầng, không nộp tiền thuê đất.
Sau khi thuê đất từ Công ty đầu tư xây lắp Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù tỉnh quy định các doanh nghiệp thứ phát không được cho thuê lại mặt bằng nhưng một số doanh nghiệp thứ phát vẫn tiếp tục chia nhỏ đất cho các công ty khác thuê lại. Thậm chí, có doanh nghiệp còn chuyển nhượng tài sản, cơ sở vật chất trái phép.
Trước những sai phạm kéo dài hàng chục năm, diễn ra trên phạm vi rộng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quyết định sẽ thu hồi toàn bộ khu đất. Hiện địa phương này vẫn đang phải xử lý những tồn tại phát sinh của nhiều doanh nghiệp thứ phát. Nhưng khó khăn hơn cả là thu hồi hơn 320 tỉ đồng tiền thuê đất cho Nhà nước bởi từ khi phát hiện ra vụ việc này, sau gần 4 năm, cơ quan thuế gần như chưa truy thu được khoản tiền nào.
Rất nhiều kiểu trục lợi từ đất của Nhà nước trong khi đất và tài sản gắn liền với đất của Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước là một nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Nếu không sớm bịt được các kẽ hở này thì giá trị rất lớn tài sản của Nhà nước, của nhân dân sẽ tiếp tục rơi vào tay tư nhân với giá rẻ mạt và nhiều quan chức Nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước sẽ còn phải trả giá rất đắt như mọi người đã chứng kiến thời gian vừa qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.58662511262211202-aoh-nahp-oc-hnirt-auq-gnort-gnoc-tad-taoht-taht/et-hnik/nv.vtv