Nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19, chủ nhà Singapore đã có những quy định khá khắt khe đối với các đội tuyển tham dự AFF Cup 2020. Trong đó, dù được ăn ở phòng ăn nhưng các cầu thủ thay vì ăn buffet bình thường thì chỉ được phát những khay thức ăn không đa dạng món và hầu như ăn không đủ no do ít thức ăn. Nghe thông tin đó, những người Việt Nam (VN) tại Singapore đã tìm cách tiếp cận để cung cấp đồ ăn cho thầy trò HLV Park Hang-seo.
Nấu phở và hủ tiếu cho cả đội tuyển
Sau khi được người bạn liên lạc với đội tuyển VN, chị Lưu Thúy Mai sang Singapore đã hơn 11 năm và hiện là chủ tiệm ăn Ốc Mai ở Bugis liền chọn sẵn các món ăn để đưa cho thầy trò ông Park lựa chọn.
Vợ chồng chị Mai sau khi lo từng tô phở, tô hủ tiếu cho các tuyển thủ là đến sân cổ vũ (ảnh lớn). Và hạnh phúc với món quà quý mà thầy Park tặng. Ảnh: LÊ NAM
Trước trận gặp Malaysia, chị Mai tranh thủ đi chợ nhiều hơn ngày thường, nấu 50 tô phở đặc biệt tái, nạm, bò viên mang đến khách sạn, nơi đội tuyển trú ngụ để cả đội ăn sau trận đấu. Phở cùng thịt chị để sẵn trong tô nhựa; gia vị, chanh, ớt… để ngoài. Nước dùng cho phở được để riêng và giữ ấm. Cẩn thận hơn, chị còn chuẩn bị sẵn một bếp từ để đội tự nấu lại nước dùng cho thật nóng thì mới có tô phở ngon. 22 giờ ngày 12-12, chị và chồng đã có mặt ở sảnh khách sạn để chờ đưa món ăn thuần Việt cho đội tuyển VN sau chiến thắng 3-0 trước Malaysia.
Còn trước trận Indonesia, chị Mai lại liên hệ với đội tuyển VN để hỏi xem thầy trò ông Park muốn ăn món gì để nấu. Nghe đội thích ăn hủ tiếu tôm thịt, chị lại đi chợ nấu 50 phần mang đến khách sạn tặng các tuyển thủ bồi dưỡng sau trận đấu.
“Tôi đưa ra ba món là bún bò, bún mọc và cháo gà. Bún bò thì tôi tự tin mình nấu ngon. Bún mọc thì hợp với các cầu thủ phía Bắc. Cháo gà thì tối đá về ăn sẽ rất ấm bụng. Đội tuyển cần món nào thì cứ gọi trước” - chị Mai kể.
Nói về lý do nấu thức ăn tiếp tế cho đội tuyển VN, chị Mai cho biết đọc tin tức thấy các cầu thủ ăn đồ ăn không hợp, khẩu phần lại ít nên chị mới bàn với bạn bè làm sao tiếp cận để hỏi có cần thêm thức ăn không và hỗ trợ. Còn tại sao chọn nấu phở ở bữa đầu tiên, chị Mai cho biết vì đội tuyển VN đa phần các cầu thủ là người Bắc nên đi xa rất thèm món này. Hơn nữa, ông Park cũng thích ăn phở như từng nói trên báo chí. “Tôi là người Sài Gòn, nấu phở theo hương vị miền Nam. Ai ở Singapore ăn cũng đều khen ngon. Nhưng nấu phở theo hương vị miền Bắc thì tôi chưa nấu lần nào, sợ các cầu thủ lạ khẩu vị ăn không được. Vì thế, tôi phải nghiên cứu dữ lắm. Mà mang đến cho đội xong rồi vẫn hồi hộp. Chỉ khi nghe đội phản hồi lại là phở rất ngon thì tôi vui lắm” - chị Mai kể trong hạnh phúc.
Đội tuyển tiếp nhận thực phẩm từ người hâm mộ trên đất Singapore và hạnh phúc với món phở đúng vị quê nhà. Ảnh: VFF
Món quà quý giá
Nấu ăn cho đội tuyển VN vì yêu thích bóng đá và thấy các cầu thủ ăn uống không đủ chất, vợ chồng chị Mai không nghĩ là sẽ nhận lại được những món quà quý từ ông Park và các học trò. Đó là chiếc áo và quả bóng có đầy đủ chữ ký của HLV Park Hang-seo và các cầu thủ VN.
Kể lại câu chuyện này, chị Mai không giấu được niềm hạnh phúc: “Bữa chiều trước khi đem phở đến khách sạn cho đội tuyển VN, sau trận thắng Malaysia, chồng tôi gọi điện thoại đến đội tuyển VN để bày tỏ xin chụp ảnh với HLV Park Hang-seo, Quang Hải, Công Phượng và Quế Ngọc Hải…
Nhưng anh ấy nghe phản hồi là đội tuyển VN đang trong chế độ bong bóng phòng dịch COVID-19 mà ban tổ chức quy định nên không được tiếp xúc và chụp ảnh. Ảnh nghe giải thích rồi mặt buồn buồn… Đến buổi tối, hai vợ chồng đem thức ăn đến, được khách sạn bảo chờ ở sảnh thì đúng lúc đó đội tuyển VN về đến.
Hai vợ chồng được nhìn thấy hết tất cả cầu thủ. Chồng tôi còn được ban tổ chức du di cho vào chụp ảnh với Quang Hải. Đội lên phòng rồi xuống phòng ăn, vợ chồng tôi vẫn nấn ná lại chưa về. Thế nào lại được gặp HLV Park Hang-seo và trợ lý Lê Huy Khoa. Anh Khoa dịch cho ông Park là vợ chồng tôi chính là người mang thức ăn đến và muốn chụp ảnh. Ông Park đồng ý ngay rồi trở vào bên trong.
Sau đó, vợ chồng tôi lấy xe đi về thì nghe điện thoại vang lên. Đầu dây bên kia là giọng ông Park nói bằng tiếng Việt bập bẹ lẫn tiếng Anh. Ông cám ơn hai vợ chồng đã nấu ăn cho cả đội và khen ngon, đồng thời cho biết sẽ gửi tặng áo và quả bóng có chữ ký của toàn đội vào ngày hôm sau.
Nghe món quà là đã vui rồi nhưng chồng tôi còn vui hơn nữa khi chính ông Park gọi điện thoại nói chuyện với mình. Về đến nhà, lên giường đi ngủ rồi mà anh ấy cứ cười tủm tỉm vì quá hạnh phúc. Đêm đấy anh vui đến tận khuya mới chợp mắt được”.
Vật bất ly thân và đoạn kết có hậu Khi biết vợ chồng chị được tặng món quà vô giá của đội tuyển, một PV VN đề nghị ông xã chị nhân dịp xem trận VN - Indonesia thì mang đến sân để ghi hình làm phóng sự. Đến sân lại gặp quy định của ban tổ chức áo mang vào được nhưng bóng phải gửi ở ngoài chứ không được đem lên khán đài. Ông xã chị liền trả lời với nhân viên của ban tổ chức rằng đây là kỷ vật của mình nên không cho mang vào thì đi về chứ không gửi lại được vì không có quả bóng thứ hai. Sau khi nghe anh giải thích là kỷ vật của đội tuyển VN gửi tặng thì nhân viên đặc cách cho mang vào. TT |