Vụ án có 20 bị cáo bị truy tố về các tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Trong đó, ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM), Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy), Nguyễn Hữu Thành, Lê Hoàng Minh, Vũ Xuân Đức, Nguyễn Trường Bảo Khánh, Trần Mạnh Khôi, Đoàn Minh Lý, Lâm Văn Tuấn, Phùng Đức Trí, Đoàn Thị Minh Trang, Lương Trí Cường bị Viện KSND TPHCM truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Các bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO), Đỗ Công Hiệp, Huỳnh Phước Long, Trần Công Thiện, Phạm Xuân Trung, Trần Đăng Linh, Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc SADECO) bị Viện KSND TPHCM truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và tội tham ô tài sản.
Bị cáo Nguyễn Văn Minh bị Viện KSND TP.HCM truy tố tội tham ô tài sản.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 12 ngày. HĐXX gồm thẩm phán chủ tọa là bà Nguyễn Thị Hà (Phó chánh tòa Hình sự TAND TPHCM), thẩm phán Nguyễn Việt Hùng và 3 hội thẩm nhân dân. Đại diện Viện KSND TPHCM tham gia phiên tòa gồm: ông Ngô Phạm Việt, ông Võ Đức Trí và bà Trần Thị Liên.
Trong vụ án, Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) được xác định là bị hại.
UBND TPHCM, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Đầu tư và xây dựng Tân Thuận, Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP, Sở Kế hoạch - đầu tư TPHCM, Chi cục Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim và 18 cá nhân được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Có 44 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, ông Tất Thành Cang có 3 luật sư bào chữa (luật sư Trần Văn Sự, Lê Nguyên Hòa, Huỳnh Tiến Đạt).
Ông Tề Trí Dũng có 4 luật sư bào chữa (luật sư Trần Văn Tạo, Nguyễn Việt Dũng, Trương Thị Minh Thơ, Nguyễn Thị Thanh Thảo). Bà Hồ Thị Thanh Phúc có 3 luật sư bào chữa (luật sư Nguyễn Thành Công, Vũ Phi Long, Nguyễn Thanh Đình).
Nội dung cáo trạng thể hiện, SADECO là công ty con của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), với tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%.
Ngày 26-3-2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO), với giá 26.100 đồng/cổ phần.
Tháng 9-2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần. Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10-2016 là 170 tỉ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.
Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn của Văn phòng Thành ủy tại SADECO thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và SADECO đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá.
Theo Hội đồng định giá tài sản kết luận thời điểm tháng 1-2017, giá trị tài sản của Công ty SADECO là 3.245 tỷ đồng, giá trị các khoản nợ phải trả là 481 tỷ đồng. Thiệt hại của Công ty SADECO trong việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim được xác định là 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại cho vốn của UBND TPHCM là 485 tỷ đồng, vốn của Thành ủy TPHCM là 184 tỷ đồng, các cổ đông khác là 433 tỷ đồng.
Ngoài ra, cáo trạng cáo buộc sáu bị cáo là thành viên HĐQT, BKS Công ty SADECO tham ô số hơn 5 tỷ đồng.