Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu gọi 2021 là năm "chưa từng có trong lịch sử", khi chưa bao giờ một loạt các đơn vị chủ lực của tập đoàn, trong đó có May Viettien có lúc phải cho 94% (34.000 lao động) nghỉ việc, rồi một loạt doanh nghiệp phải dừng sản xuất do các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội vì dịch.
"Có những lúc chúng tôi tưởng là tuyệt vọng rồi. Công đoàn dệt may Việt Nam chưa bao giờ đối diện với lượng lớn lao động nghỉ việc, cần hỗ trợ bởi dịch tới vậy", ông kể.
Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau là tâm trạng chung của các ông chủ doanh nghiệp dệt may năm nay. Quý I các doanh nghiệp đã rất phấn khởi vì ký được hợp đồng đến hết quý III. Nhưng từ tháng 5 khi đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh tại các tỉnh thành phía Nam, lúc này doanh nghiệp dệt may thực sự lo lắng.
Quý III là thời điểm dịch bệnh tác động đáng quan ngại nhất với ngành dệt may. Covid-19 bùng phát ở TP HCM và lan rộng ra các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp buộc phải sản xuất "3 tại chỗ" với một nửa lao động được làm việc trực tiếp tại nhà máy.
Giai đoạn 19 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội, 8 nhà máy của May Việt Tiến nằm trọn trong vùng đỏ. Riêng nhà máy tại Tiền Giang với hơn 10.000 công nhân phải tạm đóng cửa, dừng hoạt động do chính quyền địa phương siết chặt phòng dịch. "Thiệt hại vô cùng lớn", ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc May Việt Tiến nhớ lại thời đoạn khó khăn vừa trải qua.
Thường biên lợi nhuận làm hàng gia công không quá 10%, nhưng 4 tháng nhà máy tạm đóng, thiệt hại gấp 2-3 lần mức lời có được, nên "mọi chỉ tiêu phát triển của doanh nghiệp bị rớt hết". Đã có đơn vị thuộc May Viettien phải tái cấu trúc lại, mà ông Bùi Văn Tiên gọi "nói nôm na là phá sản" sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Giãn cách xã hội kéo dài suốt 4 tháng của quý II và III, rồi thiếu nguyên phụ liệu, dịch chuyển đơn hàng; chi phí duy trì sản xuất "3 tại chỗ", chi phí xét nghiệm, chi phí vận tải logistics tăng 4-5 lần so với các năm trước... đã tạo áp lực cực kỳ lớn cho các doanh nghiệp dệt may, nhất là tại phía Nam. Các địa phương triển khai Nghị quyết, chỉ thị chống dịch trong thời gian đầu "mỗi nơi một kiểu" khiến doanh nghiệp khó khăn, nhất là đi lại.
Hơn 40% năng lực sản xuất ngành dệt may đến từ các doanh nghiệp đóng tại phía Nam, nơi trải qua 4 tháng giãn cách xã hội vì dịch. Vì thế, khi số các doanh nghiệp tại đây chỉ hoạt động nửa công suất, hoặc phải tạm đóng vì dịch, đã lập tức phản ánh vào bức tranh tăng trưởng của ngành từ tháng 8. Kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm tới gần 16% so với tháng 7 và đà giảm vẫn tiếp diễn, trên 9% trong tháng 9.
Một nghịch lý, như chia sẻ của một lãnh đạo trong ngành dệt may, là khi thế giới dừng lại, may mặc Việt Nam làm được nhưng không biết làm gì vì đơn hàng giảm. Đến khi các thị trường xuất khẩu dệt may chính phục hồi cao thì dịch ở Việt Nam bùng phát, doanh nghiệp không làm được đơn hàng. Một số doanh nghiệp mỗi tuần bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng để đảm bảo tiến độ, giữ chân khách hàng, không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn này.
Nhưng rồi giai đoạn khó khăn nhất cũng qua đi. Từ tháng 10 Chính phủ nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, thay đổi chính sách "zero Covid" sang thích ứng an toàn với dịch. Các doanh nghiệp trở lại hoạt động, kết hợp một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... mở cửa, cùng sự trở lại làm việc của người lao động, giúp ngành tăng trưởng trở lại.
Ông Cao Hữu Hiếu cho biết, trong tháng đầu tiên sau giãn cách kéo dài, 90% người lao động tại các công ty thuộc tập đoàn đã trở lại làm việc, trong khi nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành, cùng địa phương thì tỷ lệ quay lại không cao, chỉ 50-60%". Đến nay gần như 100% lao động trong tập đoàn đã làm việc bình thường trở lại.
Sản xuất hồi nhịp trở lại, mức tăng trưởng cao trong quý IV giúp ngành dệt may cán đích xuất khẩu cả năm 39 tỷ USD, tăng gần 12% so với 2020 và trở về ngưỡng bằng thời điểm trước khi xuất hiện Covid-19. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas ví đây là "nỗ lực tuyệt vời" trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với gần 16 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020; EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 14%; Hàn Quốc đạt 3,6 tỷ USD và Trung Quốc 4,4 tỷ USD chủ yếu là xuất khẩu sợi.
Ở trong nước, có sự phân hoá lợi nhuận giữa các doanh nghiệp sản xuất giữa các vùng miền do ảnh hưởng của dịch bệnh và các đợt giãn cách kéo dài, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cán đích với mức tăng trưởng ấn tượng.
Nói về mức tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất gấp đôi so với 2020, đạt 1.200 tỷ đồng và cao hơn 70% so với năm 2019, ông Cao Hữu Hiếu nhiều lần nhắc tới từ "ngoạn mục và nằm ngoài dự báo". Ba lý do giúp tập đoàn này ghi nhận mức lãi ấn tượng, là nhờ chuyển cơ cấu, tăng tỷ trọng ngành sợi đóng góp vào doanh thu, lợi nhuận, từ 20% lên 50-55%.
Bên cạnh đó, tận dụng tốt cơ hội từ các đối thủ và tập đoàn đang dần hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín sợi - dệt nhuộm - may trong bối cảnh đứt gãy cung ứng toàn cầu. Nhờ kết quả kinh doanh tốt, tập đoàn này vẫn duy trì thưởng Tết 1,5-2 tháng, cá biệt có đơn vị làm ăn tốt thưởng 3 tháng lương Tết Nguyên đán
Một doanh nghiệp khác tại phía Bắc là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) cũng dự kiến tăng lãi trong năm nay, đạt khoảng 230 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Công ty cổ phần TNG (Thái Nguyên), cho biết các nhà máy của TNG tập trung tại tỉnh Thái Nguyên, địa phương ít bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, nên hoạt động của công ty ổn định hơn. Doanh nghiệp cũng hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển các đơn hàng dệt may về các nhà máy sản xuất tại miền Bắc khi các doanh nghiệp phía Nam gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Dù vậy, vẫn còn những mối lo. Sự bất định của dịch bệnh khi biến chủng mới - Omicron xuất hiện, nếu nhà máy tiếp tục phát sinh các ca F0 sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ sản xuất, mục tiêu kinh doanh toàn ngành dệt may.
Ngoài ra, chi phí logistics cao, gấp 4-5 lần so với trước; tình trạng thiếu container rỗng, ùn tắc vận tải biển, áp lực khó giao hàng đúng hẹn hay biến động từ các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU hay đối thủ cạnh tranh Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc... vẫn là áp lực lớn với doanh nghiệp.
Cuối năm 2021 này, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Dệt may Thành Công, cho hay nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận được đơn hàng cho quý I, thậm chí hết quý II năm sau nhưng không dám nhận nhiều vì lo không chủ động được sản xuất do thiếu lao động. Trường hợp không đảm bảo tiến độ sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải chuyển giao hàng bằng đường hàng không, chi phí sẽ rất lớn mà không phải nhãn hàng nào cũng đồng cảm, chia sẻ chi phí này.
Hiện chi phí vận chuyển hàng bằng đường hàng không đã tăng gấp 4 lần, từ 4.000 - 4.500 USD một tấn, lên 17.000 USD nhưng cũng không có đường bay. "Đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp dệt may lúc này", ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas nhận xét.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) cũng cho thấy, chỉ 16,7% nhà mua hàng đồng ý chia sẻ chi phí vận chuyển hàng không với doanh nghiệp có hợp đồng lâu dài. Với các nhà máy làm trung gian, họ rất khó đối thoại với nhà mua hàng.
Mặt khác, phân tích về mức tăng trưởng 12% của ngành dệt may năm nay, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex, thừa nhận con số này không cho thấy sự cải thiện về thị phần. Nguyên nhân là khi thế giới dừng lại, có đơn hàng thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam "không biết làm gì". Còn khi thế giới giao dịch trở lại thì chúng ta không được làm do giãn cách xã hội, các nhà máy buộc đóng cửa để phòng dịch.
Riêng thị trường Mỹ năm qua tăng trưởng tốt, dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu 120 tỷ USD. Còn các thị trường truyền thống khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU thì đều giảm hoặc nếu tăng thì thấp.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn còn diến biến phức tạp, khó lường, song thị trường cũng có những tín hiệu tích cực, nên xuất khẩu được nhận định vẫn có cơ hội tăng trưởng.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra ba kịch bản tăng trưởng năm sau. Còn theo tính toán của Vinatex, xuất khẩu dệt may năm sau dao động 36-40 tỷ USD, dựa trên tỷ lệ lao động trở lại làm việc 60-80% từ quý IV/2021 đến quý I/2022.
Anh Minh