Nhiều F0 nhỏ tuổi mới chỉ học tiểu học không may bị lây nhiễm được các tình nguyện viên hướng dẫn sử dụng kit xét nghiệm và liều lượng, thời gian uống thuốc - Ảnh: HÀ QUÂN
Đó là nhận định của BS.CKI Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng. Bác sĩ Hoàng cho biết trong quá trình tư vấn cho F0 điều trị tại nhà nhận thấy nhiều gia đình tự mua thuốc và sử dụng các loại thuốc kháng viêm methylprednisolone và corticoid cho trẻ em.
Nhiều F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cũng sử dụng thuốc, đặc biệt trẻ em dưới 12 tuổi cũng sử dụng. Việc sử dụng thuốc tùy tiện rất nguy hiểm, có thể xảy ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Mới đây một bệnh nhân tại Hà Nội nhắn hỏi con chị 12 tuổi chưa có triệu chứng gì cả, cho bé uống arbidol 100 và methylprednisolone 16mg được không. Tôi nhận thấy nhiều phụ huynh tại Hà Nội đang tích trữ thuốc và sử dụng tùy tiện cho con, trong khi đây là đối tượng dễ bị tổn thương đến sức khỏe nếu sử dụng thuốc không đúng cách", bác sĩ Hoàng nói.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo với trẻ em khi bị nhiễm COVID-19 các gia đình cần theo dõi trẻ thường xuyên. Khi trẻ chưa có biểu hiện gì chỉ cần theo dõi sức khỏe, ăn uống bổ sung và súc họng bằng nước súc họng mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.
Trong trường hợp trẻ có biểu hiện ho, sốt… hoặc khi có biểu hiện gì thì chỉ cần điều trị biểu hiện đó. Ví dụ, trẻ ho thì cho dùng thuốc điều trị ho, sốt cao 38,5 độ thì dùng hạ sốt. Chủ yếu không để trẻ bị mất nước, duy trì chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao theo tùy thể trạng.
"Với trẻ béo phì mắc COVID-19 có nguy cơ chuyển nặng cao hơn, gia đình cần theo dõi và chuyển đến cơ sở y tế để theo dõi điều trị. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, phải điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu sử dụng tùy tiện, không đúng liều lượng có thể khiến bệnh tình không thuyên giảm mà còn nặng hơn", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Hiện tại, trong gói thuốc B của Sở Y tế Hà Nội cấp phát cho F0 là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt. Người bệnh khi cảm thấy khó thở, hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, đo Spo2 dưới 96% phải liên hệ với cán bộ y tế địa phương.
Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất trước khi chuyển viện.
Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý không sử dụng các thuốc nhóm B cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân dựa theo đơn thuốc này để tự mua phòng tránh tại nhà.
Bác sĩ Hoàng cho biết khi tham gia nhóm điều trị cho F0 tại nhà, nhận thấy nhiều F0 dự trữ hoặc tự dùng kháng viêm nhưng lại không thấy dự phòng thuốc chống đông máu, trong khi thuốc chống đông liều dự phòng nên được dùng sớm, còn kháng viêm corticoid lại cần thận trọng.
"Dùng kháng viêm corticoid sớm quá (khi chưa khó thở, SpO2 chưa giảm, thậm chí chưa sốt) sẽ rủi ro sẽ nhiều hơn lợi ích", bác sĩ Hoàng nhận định.
Theo khuyến cáo của khoa Dược, Bệnh viện Nhân dân 115, corticoid làm giảm chức năng miễn dịch, nên người nhiễm virus sẽ càng có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 nặng hơn. Nhiễm trùng cơ hội, nhiễm nấm bởi corticoids làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể nên các loại vi khuẩn, nấm... có cơ hội bùng phát.
Corticoids có thể làm đường huyết tăng đột ngột trên bn tiểu đường, làm tăng huyết áp đột ngột trên bn tăng huyết áp. Corticoids gây viêm loét, thậm chí gây xuất huyết dạ dày, tá tràng.
Đối với trẻ em có thể bị còi cọc, corticoid cũng có thể làm cho tình trạng bệnh sởi hoặc thủy đậu nhiễm trùng nghiêm trọng hơn so với những trẻ không dùng corticoid.
TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Véran đã chính thức cảnh báo người dân trong mùa dịch COVID-19 cần thận trọng tránh hạ sốt bằng các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như lbuprofen hay cortisone, mà nên dùng paracetamol.