7h ngày 27/12, gần chục xe cảnh sát đưa ông Tất Thành Cang (50 tuổi); Tề Trí Dũng - nguyên chủ tịch HĐQT Sadeco, tổng giám đốc Công ty Tân Thuận (tức IPC, 100% vốn nhà nước, thuộc UBND TP HCM) và 18 người khác đến TAND TP HCM. Ông Cang và Dũng trông gầy hơn so với lúc bị bắt. Khi được dẫn vào phòng xử, hay lúc trả lời tòa về nhân thân, cựu phó bí thư Thành ủy tỏ ra mất bình tĩnh, luôn nhìn xung quanh.
Các bị cáo bị xử lý về sai phạm khi Sadeco (công ty con của IPC) bán rẻ 9 triệu cổ phần, gây thất thoát hơn 1.100 tỷ đồng.
Trong đó, ông Cang bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 10-20 năm.
Tề Trí Dũng bị cáo buộc vai trò cầm đầu xuyên suốt vụ án. Ông này và 6 đồng phạm bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 7-15 năm; 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Phiên toà dự kiến kéo dài đến 10/1/2022, do Phó chánh tòa Hình sự Nguyễn Thị Hà làm chủ tọa. Để phục vụ cho việc xét xử, tòa triệu tập 25 người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Tham gia phiên tòa có hơn 40 luật sư; trong đó 3 người bào chữa cho ông Cang, 4 người bảo vệ Dũng.
Trong phần thủ tục phiên tòa, HĐXX cho biết một số người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án không có mặt; bị cáo Lương Trí Cường (cựu chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch Công ty IPC) có đơn xin xét xử vắng mặt do đang điều trị Covid-19. Cường là người làm tờ trình đề xuất phương án phát hành 9 triệu cổ phần của Sadeco với giá 40.000 đồng/cổ phần, trình Trưởng phòng và Ban Tổng Giám đốc phê duyệt.
Luật sư của bị cáo Tề Trí Dũng đề nghị HĐXX xem xét các kiến nghị trước đó về việc thu thập thêm nhiều tài liệu liên quan vấn đề định giá, xác định thiệt hại của vụ án; đồng thời cần triệu tập bổ sung Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng hình sự, công ty thẩm định...
Một số luật sư khác kiến nghị triệu tập thêm người có quyền, nghĩa vụ liên quan và cho ông Cang được đối chất với Dũng để làm rõ hành vi bị cáo buộc.
Nêu quan điểm về các vấn đề trên, đại diện VKS cho rằng, việc bị cáo Cường và một số người vắng mặt "không ảnh hưởng" do Cường đã có luật sư bào chữa, quá trình xét xử nếu cần thiết tòa có thể triệu tập người có quyền nghĩa vụ liên quan.
Sau khi hội ý, HĐXX đồng quan điểm với VKS. Đối với đề nghị cho ông Cang đối chất, tòa sẽ thực hiện khi xét hỏi, chiều nay.
Đại diện VKS công bố cáo trạng dài 59 trang.
Sadeco có vốn điều lệ 170 tỷ đồng, gồm: vốn của cổ đông IPC 44%, Văn phòng Thành ủy (VPTU) 16,7%, Taconves 14,1%... Năm 2016, IPC bắt đầu đấu giá bán vốn của Sadeco.
Theo cáo trạng, tháng 4/2017, Tề Trí Dũng với tư cách Chủ tịch HĐQT Sadeco đã tổ chức họp và thống nhất phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần, bán cho Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim). Lãnh đạo UBND TP HCM chỉ đạo việc chuyển nhượng phần vốn nhà nước phải qua đấu giá, xác định theo giá thị trường.
Tuy nhiên, ông Dũng và các thành viên được giao đại diện phần vốn góp của thành phố đã không thực hiện theo chỉ đạo, sử dụng kết quả thẩm định giá của HSC (doanh nghiệp không có chức năng thẩm định), thông qua quyết định bán 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần - thấp hơn giá trị thực rất nhiều.
Phương án này sau đó tiếp tục được trình Văn phòng Thành ủy xin ý kiến. Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đã có bút phê "đồng ý". Từ đó, ngày 5/10/2017, Tề Trí Dũng đại diện Sadeco ký hợp đồng chiến lược bán cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim thu về 360 tỷ đồng.
Cơ quan công tố xác định, với vai trò Phó bí thư thường trực Thành ủy, ông Cang phải nắm rõ quy định, việc bán cổ phần phát hành thêm để tăng vốn điều lệ của Sadeco phải thực hiện đấu giá và thẩm định theo giá thị trường. Nhưng ông Cang vẫn phê duyệt "đồng ý" chủ trương mà không chỉ đạo đấu giá.
Sai phạm của ông Cang, Dũng và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Sadeco số tiền hơn 1.103 tỷ đồng; trong đó thất thoát tài sản Nhà nước là hơn 669 tỷ đồng. Cựu phó bí thư bị buộc chịu trách nhiệm đối với 184 tỷ đồng - tương đương với phần vốn của Văn phòng Thành uỷ tại Sadeco.
Ngoài sai phạm trong việc phát hành 9 triệu cổ phần, Tề Trí Dũng với sự giúp sức của Hồ Thị Thanh Phúc (tổng giám đốc Sadeco) và các cá nhân liên quan đã lợi dụng quyền hạn, duyệt chi nhiều khoản tiền từ quỹ thù lao khen thưởng của công ty trái quy định rồi chiếm hưởng hơn 4,6 tỷ.
Trong đó, Tề Trí Dũng nhận hơn 1,7 tỷ đồng, Phạm Xuân Trung nhận hơn 300 triệu đồng, Trần Đăng Linh nhận gần 490 triệu đồng, Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện mỗi người nhận gần 870 triệu; Nguyễn Văn Minh nhận gần 420 triệu đồng.
Dũng còn đề ra chủ trương, chỉ đạo Phúc và cấp dưới tổ chức chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài dưới danh nghĩa đi "tham quan, khảo sát" trái quy định, gây thất thoát của Nhà nước số tiền hơn 2,1 tỷ đồng.
Thời gian Sadeco bị thanh tra, Dũng chỉ đạo Phúc, Đỗ Công Hiệp (kế toán trưởng Công ty Sadeco) hủy tất cả các tài liệu, chứng từ liên quan hoặc hợp thức hóa vào các khoản chi kinh phí hoạt động Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Đối với các khoản tiền nhận từ nguồn tiền thù lao, quỹ khen thưởng của Sadeco, các cá nhân liên quan đã nộp lại.
Hải Duyên - Đình Văn
Xem thêm: lmth.2328044-gnud-irt-et-tahc-iod-gnac-hnaht-tat-gno-ohc-ihgn-ed/ten.sserpxenv