Năm 2021 chứng kiến rất nhiều khó khăn của các ngành nghề do đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản.
Tuy nhiên, thuỷ sản đã có màn thoát hiểm ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,89 tỉ USD, toàn ngành nông lâm thuỷ sản (NLTS) đạt 48,6 tỉ USD- vượt hơn 6 tỉ USD so với mục tiêu xuất khẩu mà Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trong đó nông sản chính đạt 21,49 tỉ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỉ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỉ USD, tăng 5,6% và chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%.
Đáng chú ý, toàn ngành có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD (thêm 1 mặt hàng là thức ăn gia súc và nguyên liệu); trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỉ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su).
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam , trong đó Mỹ đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục chưa từng có với trên 48,6 tỉ USD.
Đối với kết quả ấn tượng của ngành thuỷ sản, theo Tổng cục Thuỷ sản, trong năm 2021, thời tiết tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới năm 2021 tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19, sản xuất tôm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ các hiệp định FTA, EVFTA đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến thủy sản, thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thêm nhiều thị trường mới.
Địa phương linh hoạt, doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cũng nhanh chóng thích ứng điều tiết sản xuất đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Nhờ đó, xuất khẩu thuỷ sản phục hồi, dự kiến hoàn thành mục tiêu của năm.
Cùng với đó, phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong và sau dịch bệnh Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt.
Vượt sóng gió thành công, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, năm 2021 đầy biến động nhưng cũng là giúp toàn ngành nhìn rõ ưu, khuyết điểm và cũng là động lực để chuyển đổi mạnh mẽ hơn tư duy kinh tế nông nghiệp.
Vị tư lệnh ngành nhấn mạnh, thời gian tới nếu xây dựng được chiến lược xuất khẩu cho từng mặt hàng, hệ thống lại được vùng sản xuất theo xu hướng chung của thế giới (hướng tiêu dùng xanh), tính toán giảm chi phí đầu vào sản xuất, xây dựng được đồng hộ hệ thống logistics… thì xuất khẩu nông sản không chỉ đạt con số 47 hay 50 tỉ USD mà còn đảm bảo bền vững.
Theo Hoàng Linh
Doanh nghiệp & Tiếp thị