Chiều 27.12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn TP.HCM kể từ khi luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Báo cáo trước đoàn giám sát, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho hay công tác lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm so với các địa phương khác, trong đó, nguyên do chủ yếu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và công tác đấu thầu còn nhiều bất cập.
Đối với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn, ông Bình cho hay, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng công việc. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử là mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật các chuyên ngành có liên quan và quy hoạch xây dựng; các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; chất lượng, tính khả thi của một số đồ án quy hoạch chưa cao; công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm như còn tình trạng xây dựng tự phát, xây dựng sai quy hoạch, hoặc đầu cơ, lấn chiếm đất đai...
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM nêu một số kiến nghị tại buổi giám sát khánh trần |
Ông Lê Hòa Bình nêu một số kiến nghị liên quan việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; tiếp tục kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác quy hoạch đô thị; tăng cường hơn nữa việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đối với việc triển khai các chính sách của quy hoạch đô thị...
Tham dự buổi giám sát từ đầu cầu Hà Nội qua hình thức trực tuyến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho hay, công tác quy hoạch đóng vai trò quan trọng, là cơ sở phát triển, công cụ quan trọng của quản lý nhà nước, tạo sự hài hòa tạo sự thúc đẩy cho sự phát triển của. TP.HCM là trung tâm của vùng, đầu tàu của cả nước, vì vậy, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn chiến lược.
Báo cáo của UBND TP.HCM cho thấy, từ khi có luật Quy hoạch, TP.HCM gặp nhiều khó khăn. “Chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng quy hoạch cũng là điểm yếu, điểm nghẽn của TP.HCM. Đây cũng điểm yếu của cả nước ta, sự thiếu đồng bộ, tầm nhìn chiến lược; kết nối trong quy hoạch còn nhiều vấn đề”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói và cho biết thêm, TP.HCM cần có chiến lược, mục tiêu rõ ràng, có tầm nhìn xa; rút kinh nghiệm về công tác quy hoạch đô thị, dân cư, khu dân cư, khu công nghiệp... để chuẩn bị phương án đối phó với các vấn đề trong tương lai, xác định rõ động lực phát triển đô thị, qua đó, xác định chiến lược tăng trưởng mới phù hợp.
“Các sở, ban ngành TP.HCM cần phối hợp chặt chẽ, rà soát hoàn thiện quy hoạch. Đồng thời, kiên quyết thu hồi dự án quy hoạch treo, dự án quá thời hạn mà không triển khai. Có dự án để 18 - 20 năm nay chưa triển khai khiến người dân bức xúc”, Chủ tịch nước nói và cho biết thêm sắp tới sẽ làm việc với lãnh đạo TP.HCM và các huyện Hóc Môn, Củ Chi rà soát lại công việc, chuẩn bị xúc tiến đầu tư, trong đó có vấn đề quy hoạch đang là rào cản, điểm nghẽn của hai vùng này.
“Nếu như Hóc Môn và Củ Chi có đường cao tốc, có đường thủy, đường sắt trên cao thì đất Củ Chi, Hóc Môn không kém những quận trung tâm TP.HCM như Q.1”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị khánh trần |
Sau những chỉ đạo và định hướng của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cam kết với Chủ tịch nước và các ĐBQH, TP.HCM sẽ nỗ lực, tiếp thu ý kiến chuyên gia, ý kiến các sở, ban, ngành để xây dựng, quản lý triển khai có hiệu quả quy hoạch trong thời gian sắp tới, xứng đáng với vị thế của TP.HCM. Tại hội nghị, các thành viên đoàn giám sát và các ĐBQH cũng yêu cầu làm rõ một số vấn đề như thiết chế văn hóa trong quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng…