Vào những ngày cuối năm 2021, tạp chí Forbes (Mỹ) đã cập nhật mới về tài sản của các tỉ phú Việt. Tính đến ngày 24-12, Việt Nam có sáu tỉ phú nằm trong bảng xếp hạng tỉ phú USD của thế giới. Điểm đáng chú ý nhất là bất chấp dịch bệnh, nhiều tỉ phú USD tại Việt Nam vẫn tung ra chiến lược đầu tư táo bạo.
Tài sản của các tỉ phú Việt tăng mạnh
Trong bảng xếp hạng của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, là tỉ phú USD giàu nhất Việt Nam. Tính đến ngày 24-12, tài sản của ông Vượng đạt 7,5 tỉ USD, xếp thứ 344 trên bảng xếp hạng tỉ phú thế giới. Cũng trong lần cập nhật mới này, tài sản của ông Vượng đã tăng thêm 39 triệu USD.
Người giàu thứ hai của Việt Nam là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, hiện đang nắm giữ tổng tài sản 3,1 tỉ USD. Năm nay, tài sản của ông Long có thêm 75 triệu USD. Người giàu thứ ba là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank. Trong năm nay, ông Anh có thêm 24 triệu USD, nâng tổng số tài sản của ông lên 2,6 tỉ USD.
VinFast đang có tham vọng xuất khẩu ô tô Việt sang thị trường Mỹ. Ảnh: TL
19,5 tỉ USD Đứng trong bảng xếp hạng các tỉ phú USD của thế giới, hiện các tỉ phú Việt đang nắm trong tay 19,5 tỉ USD. |
Người phụ nữ duy nhất đạt danh hiệu tỉ phú USD là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không VietJet. Dù ngành hàng không chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch nhưng trong năm 2021, bà Thảo vẫn có tổng tài sản 2,5 tỉ USD.
Tỉ phú USD tiếp theo là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, với tổng tài sản là 2,2 tỉ USD. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco), với tổng tài sản 1,6 tỉ USD.
Vượt qua tâm bão đại dịch
Như vậy, bất chấp dịch bệnh gây ảnh hưởng suốt năm 2021, tổng tài sản của các tỉ phú Việt đều tăng mạnh. Sự tăng trưởng giá trị tài sản một phần đến sự thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam vì Forbes còn đánh giá tài sản thông qua tổng giá trị cổ phiếu của các tỉ phú đang nắm giữ.
Tuy nhiên, chính sự điều hành vượt qua tâm bão của đại dịch mới là nhân tố chính tạo nên sự thành công của các tỉ phú Việt. Chẳng hạn, chiến lược táo bạo gia nhập các mảng kinh doanh mới để trước nhiều đối thủ trong việc mở rộng quy mô và xây dựng một nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại giúp giảm giá thành cũng như đáp ứng đa nhu cầu. Điển hình là tập đoàn này xây dựng nhà máy sản xuất container tại Vũng Tàu với công suất 500.000 TEU/năm nhằm đáp ứng nhu cầu container của thế giới cũng như của Việt Nam.
Ngoài ra, Hòa Phát đã mua lại mỏ quặng ở Úc có trữ lượng khoảng 320 triệu tấn với công suất khai thác 4 triệu tấn/năm. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, động thái mạnh mẽ này sẽ giúp Hòa Phát củng cố vị thế của mình so với các nhà sản xuất thép trong khu vực. Các yếu tố này cũng đã giúp tăng tỉ suất lợi nhuận của Hòa Phát.
Hay ông Trần Bá Dương, nhà sáng lập Thaco, đã có bước đi vững chắc trong lĩnh vực ô tô lẫn nông nghiệp. Các dòng sản phẩm ô tô, nông sản không chỉ có chỗ đứng ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu mạnh mẽ ra nước ngoài. Ngoài ra, Thaco đang tác động mạnh mẽ vào ngành bán lẻ thông qua việc mua lại đại siêu thị Emart (Hàn Quốc), qua đó giúp doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu cuộc chơi cạnh tranh với các công ty nước ngoài nhiều tiền của trong lĩnh vực này.
Hướng ra thế giới
Sự thành công của Vingroup hiện nay không chỉ đến từ lĩnh vực bất động sản mà còn từ chiến lược phát triển thành công ty công nghệ. Một trong số đó là Công ty VinFast, chuyên sản xuất ô tô thương hiệu Việt. VinFast không chỉ vẽ lại bản đồ ô tô Việt mà còn phát triển các dòng ô tô điện với tham vọng xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, châu Âu.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết tầm nhìn của Vingroup là trở thành tập đoàn công nghiệp, công nghệ và thương mại dịch vụ hàng đầu khu vực. “Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện mục tiêu này” - ông nói.
Đáng chú ý, mới đây, công ty đã ra mắt thương hiệu xe điện thông minh VinFast cùng các mẫu xe điện mới tại thị trường Mỹ. Sự kiện này được giới truyền thông, các chuyên gia quốc tế đánh giá tích cực. Đó chính là khởi đầu tốt để tiếp tục hành trình vươn ra thế giới.
“Chúng tôi tin rằng có thể thuyết phục được khách hàng tại Mỹ và nhiều thị trường khác mua ô tô thương hiệu Việt Nam bằng việc cung cấp các loại xe chất lượng hàng đầu với tiêu chuẩn an toàn cao và công nghệ tiên tiến” - ông Quang khẳng định.
VinFast cũng đã lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ trong năm 2022. Việc phát hành lần này sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong chiến lược trở thành một thương hiệu toàn cầu của công ty.
Masan cũng đang chứng tỏ mình là một thương hiệu lớn trong ngành chế biến thực phẩm. Gần đây nhất, The Crown X, công ty con của Masan đã gọi vốn thêm 350 triệu USD từ nhóm các nhà đầu tư. Tập đoàn này cũng dự định sẽ phát hành cổ phiếu The CrownX lần đầu ra công chúng trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023-2024.
Có người kiếm thêm cả trăm tỉ USD Theo thống kê mới nhất của Forbes, năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng vẫn là một năm kiếm tiền tốt của nhiều tỉ phú thế giới, trong đó có người kiếm thêm cả trăm tỉ USD. Theo đó, năm nay, 2.755 tỉ phú thế giới nắm giữ tổng giá trị tài sản lên tới 13.100 tỉ USD, tăng mạnh so với con số 8.000 tỉ USD của năm ngoái. Forbes đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào nhiều yếu tố như giá cổ phiếu, tỉ giá hối đoái. Bên cạnh đó, Forbes còn đánh giá nhiều tài sản khác như sở hữu tại các công ty riêng, bất động sản, các tác phẩm nghệ thuật, du thuyền... |