Dù được thành lập 3 năm qua nhưng Bảo tàng Mỹ thuật Huế hiện nay vẫn chưa có trụ sở, không gian trưng bày tranh. Trong ảnh: một buổi triển lãm tranh ở Huế trước lúc dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: MINH AN
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từng có quyết định thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế vào cuối năm 2018 trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn 2 trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, trực thuộc Sở Văn hóa - thể thao tỉnh. Tuy nhiên sau 3 năm thành lập, hiện trụ sở bảo tàng này vẫn chỉ nằm trên giấy!
Mua tranh về rồi... cất kho
Chính vì không có trụ sở lẫn không gian trưng bày nên trong 3 năm qua, những người làm Bảo tàng Mỹ thuật Huế gặp không ít khó khăn trong công tác sưu tập, bảo quản tranh.
Từ khi thành lập bảo tàng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã "mạnh dạn" cấp mỗi năm 1 tỉ đồng phục vụ công tác sưu tập tranh. Trong 3 năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã dày công sưu tập được 103 tác phẩm, trong số đó có nhiều tranh của các danh họa như Tôn Thất Đào, Mai Trung Thứ, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối...
Tuy nhiên, số tranh này sau khi được sưu tập hoặc nhận từ việc cho tặng đều đang được... bỏ kho chứ không đưa ra trưng bày.
Bà Đinh Thị Hoài Trai - giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế - thừa nhận: "Thú thật chúng tôi hiện nay mới chỉ thực hiện được nửa công năng của một bảo tàng mỹ thuật, đó là sưu tập, lưu trữ, bảo quản tác phẩm".
Cũng theo bà Trai, việc mua tranh về rồi cất kho là điều khiến người yêu nghệ thuật vô cùng đau lòng. Chính điều này gây cản trở trong quá trình sưu tập tranh.
"Nhiều gia đình các danh họa, khi được chúng tôi đặt vấn đề sưu tập tranh cho bảo tàng đã hỏi thẳng là mua về sẽ trưng bày ở đâu. Thú thật chúng tôi cũng rất lúng túng, không biết trả lời thế nào. Và rồi cơ hội sưu tập tranh quý cũng bị vụt mất", bà Trai trải lòng.
Ba năm một câu hỏi bảo tàng ở đâu?
PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế - cho rằng dù tranh sưu tập về được bảo quản chuyên nghiệp nhưng không thể đảm bảo rằng nhiều năm sau đó tranh không bị hư hại, ẩm mốc nếu cứ mãi cất kho như vậy.
"Nếu trong vòng khoảng 2 năm nữa mà Bảo tàng Mỹ thuật Huế vẫn không có trụ sở, không có không gian trưng bày tranh thì tôi nghĩ sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Có thể những người, những gia đình các họa sĩ hay những đơn vị đã hiến, tặng tranh cho bảo tàng sẽ đòi lại tranh của mình. Và vấn đề này sẽ trở thành vấn đề của quốc gia chứ không phải chỉ của riêng Huế", ông Bình nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cũng thừa nhận một bảo tàng mỹ thuật là rất cần thiết cho một TP du lịch, TP văn hóa festival như Huế.
"Tôi đã làm việc với ngành văn hóa và sẽ có đề án báo cáo lên Ban thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh về quy hoạch các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Trong đó có đề cập việc tìm gấp một trụ sở xứng tầm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế trong thời gian sớm nhất", ông Bình nói.
Lấy lại khối nhà ở số 23-25 Lê Lợi
Công trình kiến trúc Pháp nằm ở số 23-25 Lê Lợi, TP Huế là nơi hội tụ đủ mọi yếu tố có thể trở thành trụ sở của Bảo tàng Mỹ thuật Huế - Ảnh: NHẬT LINH
Bà Đinh Thị Hoài Trai cho biết đã đề xuất tỉnh chọn khối nhà kiến trúc Pháp ở số 23-25 Lê Lợi (TP Huế) làm trụ sở Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Khu nhà này nằm cạnh phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc sông Hương và nằm trên tuyến đường Lê Lợi (TP Huế) - tuyến đường được tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch trở thành "phố bảo tàng" trong tương lai.
Địa chỉ này trước đây từng là Bảo tàng Văn hóa Huế trong 8 năm trời và là một trong số ít công trình kiến trúc Pháp hiện nay còn giữ lại được cạnh sông Hương ở Huế. Tuy nhiên đến năm 2020 thì thiết chế bảo tàng này không còn nữa và chỉ còn là một bộ phận của Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao trực thuộc UBND TP Huế.
TTO - Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản cho phép Bảo tàng gốm cổ sông Hương của GS.TS Thái Kim Lan đi vào hoạt động.
Xem thêm: mth.52454109082211202-yab-gnurt-ohc-ueiht-iv-ohk-tac-ior-it-neit-hnart-aum/nv.ertiout