Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng - Ảnh: C.TUỆ
So với cả nước, tỉ lệ tử vong tại Hà Nội khoảng 0,3%, không cao so với trung bình cả nước (1,9%) nhưng cũng cần có biện pháp kéo giảm.
"Bệnh nhân nặng ngày càng tăng"
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội - cho biết thời điểm này, bệnh viện đang duy trì điều trị trên 100 ca mắc COVID-19, trong đó có 40 bệnh nhân nặng và cả nguy kịch.
"Để giảm thiểu tình trạng bệnh nhân nhẹ vào viện, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có thử nghiệm app để theo dõi F0 điều trị tại nhà. Nhiều F0 vào viện hiện nay cần thở máy và đặt ống nội khí quản, hỗ trợ lọc máu. Tỉ lệ đáng kể trong nhóm này chưa được tiêm vắc xin, có bệnh nền, đặc biệt có những ca bệnh còn rất trẻ", ông Hải thông tin.
Ông Hải cũng cho biết đối với những bệnh nhân nặng trên, tỉ lệ tử vong khá cao, bệnh viện đang nỗ lực dùng tất cả các biện pháp để điều trị tối đa nhất có thể.
Về tình hình dịch bệnh chung tại Hà Nội, ông Hải đánh giá đa số các ca nhiễm hiện nay đều không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Trước câu hỏi Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội có tình trạng từ chối tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng không, ông Hải khẳng định không có sự việc này.
"Chúng tôi không từ chối bệnh nhân nặng, tuy nhiên các tuyến dưới muốn đưa bệnh nhân lên tầng 3 để điều trị thì phải thông báo trước để cơ sở tiếp nhận chuẩn bị giường và máy thở để bệnh nhân không phải chờ đợi", ông Hải lưu ý.
Trước tình trạng F0 tại Hà Nội có xu hướng chuyển nặng, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho biết Sở Y tế TP cần theo dõi sát sao các bệnh nhân điều trị tại nhà bằng các kênh như qua phần mềm, đặc biệt là thường xuyên đo SpO2, huyết áp và cặp nhiệt độ cho người bệnh.
"Đặc biệt là phải cung cấp đủ thuốc điều trị cho F0 tại nhà", ông Hải nói.
Sẵn sàng tiêm mũi bổ sung, nhắc lại
Theo các chuyên gia y tế, hiệu quả bảo vệ của các loại vắc xin phòng COVID-19 đang được sử dụng hiện nay tại Việt Nam nằm trong khoảng từ 78-94% tùy loại. Hiệu quả này sẽ bị giảm dần theo thời gian, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên.
Vì vậy, việc tiêm vắc xin mũi 3 là hết sức cần thiết nhằm tăng hiệu lực bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại virus COVID-19, nhất là trước những biến thể nguy hiểm như Delta hay Omicron.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu ngành y tế TP phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trước 31-1-2022. Như vậy, còn hơn 1 tháng để Hà Nội đạt mục tiêu phủ vắc xin mũi 3 cho người dân theo yêu cầu của chủ tịch UBND TP. Tuy nhiên, trước thực tế kể trên, việc Hà Nội có đảm bảo đúng tiến độ tiêm mũi nhắc lại cho người dân hay không vẫn đang bỏ ngỏ.
Trả lời Tuổi Trẻ ngày 27-12, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Dương Thị Hồng cho biết viện đã có quyết định phân bổ cho Hà Nội 1,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca và Pfizer hôm
20-12. Số này sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đến lịch tiêm chủng (còn một tỉ lệ nhỏ người Hà Nội từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm đủ 2 mũi) và tiêm mũi 3.
Ngày 27-12 viện đã phân bổ tiếp 850.000 liều vắc xin Pfizer, số này sẽ được sử dụng để tiêm tiếp mũi 3.
Thêm 1.948 ca nhiễm trong 24 giờ
Tính từ 16h ngày 26-12 đến 16h ngày 27-12, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.872 ca nhiễm mới. Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.948), Tây Ninh (943), Hải Phòng (931), Vĩnh Long (892), Khánh Hòa (791), Cần Thơ (711)...
Về tử vong, từ 17h30 ngày 26-12 đến 17h30 ngày 27-12 cả nước ghi nhận 204 ca tử vong, trong đó tại TP.HCM 30 ca, gồm 6 ca từ các tỉnh chuyển đến: Đồng Nai (2), Tiền Giang (2), Long An (1), Đồng Tháp (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 232 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 31.418 ca, chiếm tỉ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
Chưa tiêm vắc xin thiệt đủ điều
Bộ Y tế Singapore thông báo người chưa tiêm vắc xin COVID-19 sẽ không được trở lại cơ quan làm việc từ ngày 15-1-2022, ngay cả khi có xét nghiệm âm tính. Thông báo này có thay đổi so với trước đó. Cụ thể, hồi tháng 10-2021, bộ này cho biết người chưa tiêm vắc xin không được trở lại cơ quan kể từ tháng giêng trừ khi có xét nghiệm âm tính.
Để nâng cao tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19, Chính phủ Đức đang tiếp tục thúc đẩy quy định tiêm chủng bắt buộc đối với toàn bộ người dân. Tuy nhiên, vấn đề này gây tranh cãi gay gắt. Quy định tiêm bắt buộc sẽ được thảo luận tại kỳ họp đầu tiên của quốc hội trong năm 2022.
Tại Ý, từ ngày 30-12, người dân phải có thẻ xanh COVID-19 mới được phép tham gia các dịch vụ bơi lội, phòng tập thể dục, thể thao, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, trung tâm văn hóa, vui chơi, giải trí. Quy định miễn áp dụng với trẻ em dưới 12 tuổi và những trường hợp được miễn tiêm chủng.
HỒNG VÂN tổng hợp
TTO - Trong khi quy định của Bộ Y tế hiện là cách ly tại nhà với người nhập cảnh đã tiêm đủ mũi vắc xin, người nhập cảnh dưới 14 ngày không phải cách ly, Hà Nội lại vừa yêu cầu người đến từ quốc gia có ca Omicron thì cách ly tập trung kể cả tiêm rồi.
Xem thêm: mth.69822258082211202-3-ium-meit-tur-pag-ion-ah-gnat-meihn-ac/nv.ertiout