Dự án xây dựng đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được khởi công từ tháng 5/2018, với tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng được thông xe vào năm 2020 có chiều dài 5,3 km. Trong đó, chiều dài cầu cạn là 4,8 km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426 m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404 m.
Sau khi được đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long mỗi chiều đường có 2 làn xe cơ giới rộng 3,75 mét, một làn xe dừng khẩn cấp rộng 2,5m và dải an toàn trong rộng 0,75m.
Vào sáng 27/12, 6 nhánh kết nối lên xuống (Ramp) đường vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long chính thức được thông xe. Theo thiết kế ban đầu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án chỉ đầu tư cầu cạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long, không xây dựng các Ramp ra, vào tuyến. Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án còn dư vốn nên Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt bổ sung 6 Ramp.
Sau khi dự án đường vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long được đưa vào sử dụng đã chấm dứt tình trạng ùn tắc của đường Phạm Văn Đồng phía dưới.
Sau khi 6 nhánh kết nối lên xuống đường vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long được thông xe, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp triển khai phương án phân luồng tổ chức lại giao thông trên tuyến đường này. Về tốc độ lưu thông của phương tiện Sở GTVT nêu rõ từ sáng 27/12, toàn bộ ô tô lưu thông tại đường cao tốc trên cao Vành đai 3 Mai Dịch - cầu Thăng Long được phép chạy tối đa 100/km (tốc độ lâu nay là 80km/h), tốc độ tối thiểu là 60km/h. Như vậy đây là tuyến đường trên cao đầu tiên của thủ đô Hà Nội các phương tiện được lưu thông tốc độ 100km/h.
Các phương tiện không được tham gia giao thông trên cao tốc Vành đai 3 trên cao gồm xe máy chuyên dùng, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe máy điện; xe thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường cao tốc); người đi bộ, xe thô sơ, súc vật....
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, phương tiện không được quay đầu xe trên đường vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long, không cho phương tiện giao thông chạy vào làn dừng khẩn cấp, làn này chỉ phục vụ cho các phương tiện phải dừng khẩn cấp. Trên tuyến đường bố trí một điểm quay đầu xe phục vụ công tác cứu nạn, cứu hỏa, điều tiết giao thông (tại lý trình Km3+ 42,2 - Km3+167,2)
Sở GTVT hướng dẫn các phương tiện từ đường Phạm Hùng và từ trục Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu có thể kết nối vào cao tốc tại điểm kết nối sau nút giao Mai Dịch. Các phương tiện đi trên đường cao tốc từ cầu Thăng Long về nút giao Mai Dịch có thể ra khỏi cao tốc tại vị trí trước nút Mai Dịch để kết nối với trục đường Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu hoặc vào cầu vượt dành cho đường đô thị (cầu vượt Mai Dịch) để vượt qua.
Các phương tiện từ đường Phạm Văn Đồng, đường Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn có thể kết nối vào cao tốc tại nhánh lên của nút giao Hoàng Quốc Việt (nhánh HQV-A) đi cầu Thăng Long, Nội Bài. Các phương tiện đi trên đường cao tốc từ cầu Thăng Long về nút giao Mai Dịch có thể ra khỏi cao tốc tại nhánh xuống của nút giao Hoàng Quốc Việt để kết nối với đường Phạm Văn Đồng đi Hoàng Quốc Việt hoặc trục đường Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu....
Trước đó, từ giữa tháng 11/2021, 4.500 tấm chống ồn bắt đầu được lắp đặt dọc tuyến đường vành đai 3 trên cao. Tấm chống ồn được làm bằng loại nhựa đặc chủng với khung nhôm dày, có độ bền cao và chịu thời tiết.
Hệ thống đèn tín hiệu, hỗ trợ giảm chấn khi va chạm được lặp đặt trước mỗi nhánh dẫn lên đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long.
Hệ thống cây xanh được trồng 2 bên hông và dưới gầm mỗi nối lên xuống.
Hệ thống đèn tín hiệu cũng đã được hoàn thiện.
Theo Hoàng Hải - Anh Hùng
Doanh nghiệp và Tiếp thị