Một số người đã hỏi han tuyến xe và giá vé để tính toán về quê ăn Tết - Ảnh: NHẬT THỊNH
Tết cận kề, chị Trần Thị Linh (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) vẫn đang cố kiếm tiền về quê bởi mới xin được làm phục vụ quán ăn gần nhà chỉ ba tháng nay.
Cầm cố để về quê
Người mẹ 25 tuổi này từng là công nhân công ty may được 4 tháng, nhưng dịch bệnh, công ty cắt giảm nhân sự mới, và chị Linh nằm trong số đó. Chồng chị là lao động tự do, thu nhập "bữa đực bữa cái", rồi hết hẳn trong đợt dịch vừa rồi.
Cuối tháng 10, chị Linh xin chân phục vụ quán ăn từ 4h chiều đến 9h tối, và làm thêm tiếng rưỡi sau đó. Mỗi buổi chị kiếm được trên dưới 300.000 đồng. Bữa nào vợ chồng làm tối, con gái gửi nhờ phòng trọ kế bên trông giúp.
Năm hết Tết đến, mọi khi vợ chồng chị Linh vốn dĩ đã không dư, Tết này lại càng đẩy họ vào thế khó do mới đi làm, còn trước đó đã thất nghiệp thời gian dài và phải vay mượn. Dành tiền về quê nên cái điện thoại xài lâu năm, hư lên hư xuống mà chị vẫn chưa dám thay mới.
"Tết nhất còn nhiều thứ quan trọng phải lo, mỗi lần mua cái gì phải nghĩ tới nghĩ lui thấy thiệt cần mới mua. Tiết kiệm để còn tiền về nhà, tui có dám mua sắm gì đâu, chủ yếu lo cho con, đề phòng đau bệnh này kia thôi" - chị cho biết thêm năm nay chỉ hai mẹ con về quê, còn chồng ở lại tìm việc thời vụ làm Tết.
Nhìn chiếc nhẫn vàng được mua từ tiền dành dụm "phòng thân", chị dự định sẽ đưa vào tiệm cầm đồ để trang trải về quê ăn Tết. Chiếc nhẫn này cũng cứu chị bao phen kẹt tiền gấp.
Chỉ cần bữa cơm sum vầy
May mắn hơn chị Linh, anh Minh Phước có thể đặt vé máy bay về quê mà không cần vay mượn hay cầm cố. Quê Đà Nẵng, anh làm việc tại một công ty kiểm toán ở quận 1, song đã nghỉ việc từ đầu tháng 11.
Trước đó, nhờ chăm chỉ và may mắn thu nhập không bị ảnh hưởng trong đợt dịch vừa rồi, chàng trai từng là trưởng nhóm này có một khoản tích cóp phòng thân.
"Tôi may mắn vì tiền tiết kiệm có thể tự lo cho bản thân trong lúc tạm thất nghiệp. Ngoài ra Tết này cũng chuẩn bị lì xì ba mẹ, mua quà cho mấy đứa em, dù ba mẹ nói chỉ cần con về là được rồi" - anh Phước cho biết. Không đến nỗi quá chật vật, nhưng đại dịch cũng khiến anh Phước xem lại thói quen chi tiêu. Hiện anh đã gửi hồ sơ xin việc ở hai công ty và đã hoàn thành vòng phỏng vấn.
"Năm nay tôi mất thưởng Tết, thôi qua năm cố cày lại. Giờ quan trọng nhất là vẫn còn nhìn thấy người thân bình an và được đoàn viên ăn bữa cơm. Như thế là quý rồi!" - chàng trai sinh năm 1995 tâm sự.
Chị Linh hết sức tiết kiệm để có tiền về quê đón Tết - Ảnh: D.QUÍ
Ba mẹ tui cũng lớn tuổi, nhà neo người nên thôi cứ về rồi tính. Nhà không cầu kỳ mua sắm gì. Năm nay coi như... xé nháp, qua năm tui xin làm công nhân lại chắc là có tiền hơn.
Chị Trần Thị Linh
"Sau Tết con sẽ về!"
Nhâm Dần 2022 sẽ là cái Tết đầu tiên chị Phan Thị Tình (quê huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) không về nhà. Đau đáu nhớ cha mẹ, song chị Tình cũng như nhiều người lao động tại TP.HCM lựa chọn ở lại, để làm thêm và dành dụm.
Chị Tình là công nhân sản xuất giày da tại Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức), mới đi làm lại từ tháng 10, sau ba tháng chỗ làm tạm nghỉ và hỗ trợ lương cơ bản 3,9 triệu đồng/tháng.
"Các năm trước, công ty cho nghỉ 9 ngày, nhưng năm nay mất 3 tháng nghỉ dịch rồi nên nghỉ Tết còn 6 ngày - chị Tình cho biết thêm - Thưởng Tết thì có nhưng chỉ được 75% lương cơ bản".
Là công nhân quen sống tiết kiệm nên mức đó tạm đủ cho chị Tình việc ăn uống, tiền trọ ở ghép người, nhưng đôi lúc cũng thiếu hụt phải vay mượn thêm. Thường mọi năm, chị về quê hai lần vào dịp Tết và giữa năm. "Nhưng vừa rồi bà ngoại mất tôi cũng không thể về" - người phụ nữ 30 tuổi này tâm sự thêm phải chọn ở lại vì nhiều lý do.
"Nhớ nhà nên lúc nào cũng muốn về, nhưng về sẽ tốn rất nhiều chi phí. Đợt dịch vừa rồi, tôi mượn tiền để sống, giờ đang đi làm trả nợ nên cũng không có dư gửi về nhà" - chị bày tỏ. Bên cạnh tài chính chưa ổn định, chị lỡ hẹn với quê hương vì số ca nhiễm ở Hà Tĩnh gần đây cũng tăng.
"Năm nay tôi và gia đình anh chị tôi đành ăn Tết xa nhà" - chị nói thêm lý do rằng không về vì sợ lây cho người thân ở nhà toàn người già.
"Người nhà bình thường mong con nhưng tình hình dịch này cũng bảo đừng về, sợ ảnh hưởng nhiều người xung quanh. Nếu tôi về mà bị cách ly tại nhà thì ba mẹ sẽ phải hạn chế đi lại, trong khi nhà đang vụ gieo sạ buộc phải ra ngoài" - chị Tình chia sẻ. Do đó, Tết này ở quê chỉ có ba mẹ chị và đứa em gái, còn lại sẽ đoàn viên qua... mạng xã hội.
Đã chuẩn bị sẵn tâm lý không thể có niềm vui Tết nhất bên gia đình, chị Tình đang định đi làm thêm mấy ngày Tết. "Không về được, tôi sẽ thử kiếm việc thời vụ nhưng đang lo không biết người ta cho làm không, vì tôi chỉ nghỉ được 6 ngày ở công ty" - chị tâm sự.
Nhiều cách tiết kiệm để về quê
Vợ chồng chị Trần Thị Mỹ - công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo - kể mình và các bạn đang cố gắng tiết kiệm để có tiền về quê ăn Tết với con nhỏ gửi ông bà ở quê nhà Kiên Giang.
"Tôi nói vợ chồng người bạn trả phòng trọ để sang ở ghép với vợ chồng tôi. Ở chung phòng trọ chật hẹp, bất tiện đủ thứ, nhưng ráng chịu đựng" - chị Mỹ cho biết khoản dư đó bằng tiền trọ một phòng khoảng 1,5 triệu đồng. Họ chịu bất tiện 3 tháng, đổi lại dư ra được ít tiền để về bên con cái mấy ngày Tết.
TTO - Mong cho con hộp mứt và bộ quần áo mới ngày Tết, vợ chồng anh Ngô Văn Phương (quê An Giang, trọ ở quận 7, TP.HCM) đang đầu tắt mặt tối với nhiều đầu việc sau mấy tháng thất nghiệp vì dịch bệnh.