Anh Lưu Văn Vĩnh (phải) là một trong nhiều người trẻ vừa lao động vừa sáng tạo để tiết kiệm chi phí sản xuất, công sức của công nhân tại nhà máy - Ảnh: NVCC
Nhiều sáng tạo ‘bất ngờ’
Đau đáu với mảnh nilon PE trên lốp xe đạp quá dày trong khi sản xuất xong sẽ không thể tái sử dụng phần thừa, anh Lưu Văn Vĩnh (công nhân Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam) kể câu chuyện với 3 đồng nghiệp. Nhiều ngày trôi qua, ý tưởng vẫn chưa thể thực hiện.
Tình cờ, trong một lần rán trứng ở nhà, anh Vĩnh nhận ra lật trứng gà dễ dàng vì bề mặt chảo có độ nhám. Khi đó, anh Vĩnh nghĩ ngay tới bề mặt vải và nilon nếu được bổ sung hạt li ti (tạo độ nhám) thì bóc tách dễ dàng hơn.
Nói là làm, sau 3 tháng nghiên cứu và đưa vào sử dụng, số nilon công ty anh cần mua từ 4 tấn giảm xuống 1,8 tấn/tháng (hiệu quả đạt 60%), giúp tiết kiệm 500 triệu đồng chi phí/tháng. Công nhân tại xưởng cũng phản hồi khi cuốn không bị nhăn, bị lệch, tiết kiệm thời gian.
"Mình mong muốn mọi người không ngừng sáng tạo, không ngừng đổi mới để cuộc sống thay đổi và bảo vệ môi trường", anh Vĩnh nói.
Trong khi đó ở Quảng Ninh, "cây sáng kiến triệu đô" Phạm Thành Công (Công ty CP Than Hà Lầm) thành công nghiên cứu và chỉ đạo thi công hệ thống khấu vượt phay lò chợ cơ giới hóa giúp nâng công suất sản xuất và làm lợi cho công ty 33,6 tỉ đồng (khoảng 1,5 triệu USD).
Anh Công chia sẻ ý tưởng xuất phát từ hôm anh đi về nhà với vợ. Khi đó, anh phải đặt một cây gỗ lớn làm đòn bẩy để lùi ô tô vào trong sân. Lúc đó, anh nảy ra ý tưởng dàn chống lò nặng 24,5 tấn ở mỏ cũng rất khó khăn đi lên dốc nên anh bàn với đồng nghiệp đề xuất một vật lớn để kê lên.
"Phương án để lò chợ khấu nâng nền vượt qua lớp đá phát sinh do đứt gãy địa chất giúp lò chợ về trạng thái giảm cắt đá để tăng năng suất lao động, đồng thời phòng Trắc địa, địa chất cập nhật dốc độ và điều kiện địa chất hàng tuần để chỉ đạo công trường thực hiện", anh Công nói.
Kết thúc năm 2020, từ sáng kiến của anh Công, sản lượng than tăng 120.000 tấn so với kế hoạch và làm lợi hơn 33,6 tỉ đồng. Đến năm 2021, dự kiến sản lượng than sẽ là 2,35 triệu tấn.
Sáng kiến "toàn cầu"
Bồi hồi nhớ lại đầu năm 2021, anh kỹ sư trẻ Dương Văn Hùng (Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên) cho hay khi đó nhà máy tiếp nhận một dòng sản phẩm chiến lược mới (điện thoại gập).
Trong quá trình sản xuất, anh Hùng nhận thấy thời gian tháo lắp sản phẩm gấp 3 lần sản phẩm cũ. Điều này khiến chi phí sản xuất tăng lên, công ty khó cạnh tranh với nhà sản xuất từ Trung Quốc, công nhân Việt Nam mất việc làm.
"Tôi nhận ra ra các lỗi gây bẩn và xước trong công đoạn tạo màu và độ cứng cho bề mặt khung điện thoại. Ngay sau đó, tôi và anh em nghiên cứu và tìm ra hướng giải quyết đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.
Đó là tận dụng khay nhựa có sẵn, kết hợp với khung inox để thay thế khay công cụ bằng kim loại đắt tiền (titanium). Ban đầu, tôi chỉ nghĩ là làm sao có thật nhiều đơn hàng cho công nhân mình. Sau đó, tôi muốn khẳng định trí tuệ Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới", anh Dương bộc bạch.
Với sáng kiến "Cải tiến dụng cụ trong công đoạn xử màu" nói trên, kỹ sư Dương Văn Hùng đã làm lợi cho công ty mỗi năm khoảng 30,7 tỉ đồng (khoảng 1,5 triệu USD).
Anh Dương Văn Hùng chia sẻ cải tiến của anh và cộng sự còn áp dụng trên nhiều dòng sản phẩm khác của Samsung trên toàn cầu - Ảnh: NVCC
Coi tim 'thôi thúc' sáng tạo
Chứng kiến nhiều nhân viên y tế choáng, ngất, phồng rộp da tại tuyến đầu chống dịch, Thượng úy Lê Thị Hòa cùng đồng nghiệp tại khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) đã sáng tạo ra "áo chống sốc nhiệt".
Theo Thượng úy Hòa, "áo chống sốc nhiệt" mặc bên trong đồ bảo hộ và điều chỉnh nhiệt độ từ 5 - 7 độ C so với lúc chưa mặc nên giảm thiểu việc sốc nhiệt, bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và giá thành rẻ, vật liệu dễ mua.
Thượng úy Hòa mô tả áo sử dụng vải cotton lưới nên thấm hút mồ hôi và dễ khuếch tán nhiệt, bên trong có xốp cách nhiệt 2 mặt gập hình chữ L; túi đá khô dạng gel; miếng lót bông siêu thấm nước...
Đến nay, xưởng may "dã chiến" của chị Hòa và đồng nghiệp đã cung cấp gần 5.000 bộ đồ cho cán bộ y tế tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…
"Sự thôi thúc của con tim và thấu hiểu khó khăn của đồng nghiệp khiến tôi và đồng nghiệp quyết tâm tạo ra áo chống sốc nhiệt. Công sức nhỏ bé nhưng là món quà ý nghĩa từ hậu phương gửi tới tiền tuyến lúc khó khăn nhất", Thượng úy Hòa tâm sự.
TTO - Ngày 28-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu trong Chương trình '75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển' do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Xem thêm: mth.44895128182211202-gnod-it-gnah-ar-oat-ov-iov-ahn-ev-gnurt-nar-ihk-ar-yan-neik-gnas/nv.ertiout