Chiều 28/12, phiên tòa xét xử bị cáo Tề Trí Dũng - cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) cùng đồng phạm về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, tiếp tục phần xét hỏi.
Liên quan tới vụ án, ông Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM) bị xét xử về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Chỉ đồng ý chủ trương?
Hồ sơ vụ án thể hiện ông Tất Thành Cang đã có bút phê "đồng ý" cho công ty SADECO bán 9 triệu cổ phần cho công ty Nguyễn Kim. Cơ quan tố tụng xác định hành vi của ông Cang đã gây thất thoát số tiền 1.103 tỷ đồng, trong đó tài sản của Văn phòng Thành ủy TPHCM là 184 tỷ đồng (tương đương 16%).
Trả lời câu hỏi của hội đồng xét xử (HĐXX), cựu Bí thư Thành ủy TPHCM thừa nhận mình có bút phê "đồng ý" nhưng phản bác toàn bộ cáo quy kết về hành vi phạm tội. Trước đó, quá trình điều tra thể hiện ông Cang có nhận thấy được thiếu sót của mình.
Lý giải về việc có bút phê trên, cựu Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, mình chỉ đồng ý về mặt chủ trương còn việc thực hiện thì phải thông qua hội đồng cổ đông.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Tất Thành Cang trình bày, khi nhận tờ trình 1148, bị cáo nhận kèm theo tài liệu là tờ trình không số của 2 đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy tại SADECO, Tờ trình 12A của Tổng giám đốc SADECO. Sau khi nghe báo cáo, bị cáo bút phê "đồng ý" vào tờ trình 1148, tức là chấp thuận chủ trương.
Theo bị cáo Tất Thành Cang, chủ trương từ tờ trình 1148 được cụ thể hóa bằng thông báo 495 (thông báo ý kiến của ông Cang về việc chấp thuận) đây là chỉ đạo để Văn phòng Thành ủy, được biểu quyết chấp thuận phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại SADECO.
Tuy nhiên cũng theo bị cáo Tất Thành Cang, tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông năm 2017 SADECO, các thành viên lại căn cứ vào tờ trình 13 để biểu quyết thông qua phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần.
"Theo quy chế, khi những nội dung thể hiện tại đại hội đồng cổ đông không giống, chính xác như đã xin ý kiến Văn phòng Thành ủy thì đại diện vốn không được biểu quyết mà phải dừng lại. Nếu không dừng lại mà tự biểu quyết thì phải tự chịu trách nhiệm", bị cáo Tất Thành Cang khai.
Về tờ trình 12A khác tờ trình 13 như thế nào, ông Tất Thành Cang khai lúc bấy giờ ông không có tờ trình 13 trong tay. Sau này, khi tiếp cận được, thì được viết 2 tờ trình khác nhau về nội dung và bản chất. Cụ thể, về giá, trong tờ trình 12A ghi giá dự kiến: 40.000 đồng, còn tờ trình 13 ghi giá: 40.000 đồng.
Đối chất Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng
Tại trang 25 cáo trạng, bị cáo Tề Trí Dũng khai thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo của ông Cang. Tuy nhiên, bị cáo này khai mình không có chỉ đạo và đề nghị được đối chất với bị cáo Dũng nhằm làm sáng tỏ bản chất vấn đề.
Bị cáo Tất Thành Cang phủ nhận cáo buộc là người chỉ đạo, quyết định, chủ mưu trong vụ án, bởi các pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật.
Sau đó, chủ tọa phiên tòa, cho bị cáo Dũng lên đối chất thì bị cáo này, cho rằng cựu Bí thư Thành ủy TPHCM có chỉ đạo (bằng miệng) trong việc tạo điều kiện cho công ty Nguyễn Kim tham gia vào SADECO như không chỉ đạo việc phát hành 9 triệu cổ phần cũng như mức án 40.000 đồng/ cổ phần.
Sau khi xét hỏi xong nhóm bị cáo tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí thì hội đồng xét xử chuyển qua nhóm tham ô tài sản. Các bị cáo trong nhóm tội danh này mong tòa xem xét lại vì mình không có động cơ vụ lợi.
Đến chiều cùng ngày (28/12), phiên tòa vẫn đang tiếp tục xét hỏi.
Xuân Duy
Xem thêm: mth.67101936182211202-coub-oac-cab-nahp-ogn-tab-gnac-hnaht-tat-oac-ib/taul-pahp/nv.moc.irtnad