Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại lễ kỷ niệm - Ảnh: LÊ TRUNG
Tối 28-12, tỉnh Quảng Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam.
Đọc diễn văn lễ kỷ niệm, ông Phan Việt Cường - bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - cho hay Quảng Nam là vùng đất được lịch sử ghi nhận trên con đường khai mở về phương Nam của nhiều thế hệ người Việt.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông chính thức đặt tên Đạo Thừa tuyên Quảng Nam và từ đây danh xưng Quảng Nam chính thức ra đời với vai trò là đơn vị hành chính thứ 13 của quốc gia Đại Việt, gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn.
Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, vùng đất này với nhiều tên gọi khác nhau, địa giới hành chính nhiều lần thay đổi. Được mệnh danh là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi sản sinh cho đất nước nhiều anh hùng kiệt xuất, chí sĩ yêu nước, trí thức, nhà nghiên cứu khoa học, lãnh tụ cách mạng, làm rạng danh quê hương, đất nước.
"Lễ kỷ niệm không chỉ khẳng định một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển Quảng Nam, mà còn là dịp để mỗi người dân ôn lại truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của người dân xứ Quảng trong lịch sử hào hùng của dân tộc" - ông Cường nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường đọc diễn văn - Ảnh: LÊ TRUNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trải qua 550 năm với bao thăng trầm, thay đổi, tỉnh Quảng Nam ngày nay và các địa phương trong vùng vẫn luôn giữ vững truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng.
Tự hào về vùng đất và con người xứ Quảng, chúng ta càng trân trọng và biết ơn sự cống hiến hy sinh xương máu của các thế hệ tiền nhân, của lớp lớp người con xứ Quảng gan dạ bất khuất và chiến sĩ, đồng bào cả nước ngã xuống để gìn giữ mảnh đất thiêng liêng "chưa mưa đà thấm" để Quảng Nam phát triển như ngày hôm nay.
"Một Quảng Nam tự tin, năng động, hòa nhịp cùng sự đổi mới của đất nước với những công trình, dự án mới hối hả dựng xây; nhà máy, sân bay, cảng biển, khu công nghiệp đang từng ngày phát triển mạnh mẽ, khởi sắc" - Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: LÊ TRUNG
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu Quảng Nam tiếp tục chung sức, đồng lòng, khó khăn hiện nay đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, biến thách thức thành cơ hội, chuyển khó khăn thành ý chí và quyết tâm hành động. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng; hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo và quản lý, xây dựng đội ngũ công chức có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Quảng Nam cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng và lợi thế, trong đó tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh đầu tư Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại lễ kỷ niệm - Ảnh: LÊ TRUNG
Cho rằng Quảng Nam là một tỉnh đa dạng về văn hóa, có nhiều vi mạch quý cho bảng mạch văn hóa đa sắc màu, Chủ tịch nước yêu cầu phát huy tốt hơn nữa vốn con người, đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài, khơi dậy khát vọng vươn lên của con người xứ Quảng. Quảng Nam cần tập trung nguồn lực phục hồi kinh tế hậu COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, thúc đẩy tái mở cửa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Quảng Nam một đề bài: "Đó là phải có chiến lược để đưa danh xưng Quảng Nam trở thành một thương hiệu thu hút nhà đầu tư và du khách bốn phương".
Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Âm vang Quảng Nam" với tổng thời lượng 90 phút, được xây dựng thành 3 phần: "Hành trình phương Nam", "Hào khí đất Quảng" và "Khát vọng Quảng Nam".
Qua 25 năm tái lập tỉnh (từ năm 1997), Quảng Nam đã chủ động, sáng tạo trong tư duy, có sự phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh thuần nông, nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung. Quy mô nền kinh tế đạt hơn 102 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 40 lần so với ngày đầu tái lập. Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách trung ương, đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước trên 23.600 tỉ đồng, gấp gần 200 lần so năm đầu tái lập.