vĐồng tin tức tài chính 365

Băn khoăn quanh chuyện tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ tư

2021-12-29 06:05

Hãng tin AFP cho biết Israel mới đây đã trở thành quốc gia đầu tiên triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư, tức mũi nhắc lại thứ hai, cho người dân. Cụ thể, Trung tâm Y tế Sheba gần TP Tel Aviv từ ngày 27-12 đã tiến hành tiêm thử nghiệm mũi thứ tư cho đối tượng là nhân viên y tế để đánh giá khả năng đối phó với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Kết quả thu được từ đợt thử nghiệm này sẽ được nộp lên Bộ Y tế Israel làm cơ sở quyết định xem có nên mở rộng chương trình tiêm mũi thứ tư ra toàn quốc hay không.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ hồi tháng 11 công bố danh sách liệt kê một số đối tượng cần tiếp tục tiêm mũi thứ tư, gồm người bị ung thư; nhiễm HIV hoặc đang dùng một số loại thuốc ức chế miễn dịch - chẳng hạn ở bệnh nhân ghép tạng.  

Tiêm mũi thứ tư có lợi cho nhóm dễ bị tổn thương

Trên thực tế, một nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế Israel gần đây cũng đã lên tiếng kêu gọi phải nhanh chóng tăng cường mũi thứ tư cho người trên 60 tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu và nhân viên y tế để chuẩn bị cho khả năng bùng phát đợt dịch mới, theo tờ The New York Times. Nhóm chuyên gia này còn dẫn số liệu ở Israel cho thấy tỉ lệ nhiễm biến thể Delta ở người trên 60 tuổi tăng gấp đôi chỉ sau 4-5 tháng tiêm mũi thứ ba, chứng tỏ chỉ ba mũi là chưa đủ để đạt mức bảo vệ tối ưu.

“Đây là những bằng chứng quan trọng và chúng ta phải hành động sớm. Dù các nghiên cứu sơ bộ vẫn cho thấy Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn các biến thể trước, đợi đến khi có thông tin rõ ràng hơn có thể thì có lẽ đã quá muộn để bảo vệ nhóm dễ tổn thương nhất” - TS Tal Brosh-Nissimov, thành viên nhóm cố vấn, khẳng định.

Băn khoăn quanh chuyện tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ tư - ảnh 1
Người dân Israel tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một trung tâm y tế ở thủ đô Jerusalem hồi tháng 11. Ảnh: AP

Ở Anh, Cơ quan An ninh y tế nước này cũng vừa công bố báo cáo kết luận hiệu quả bảo vệ chống lây nhiễm biến thể Omicron của mũi vaccine thứ ba giảm đáng kể trong vòng 10 tuần sau khi tiêm đối với các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA.

Cụ thể, hiệu quả bảo vệ ở người được tiêm hai mũi vaccine AstraZeneca được bổ sung một mũi vaccine Moderna giảm còn 35%, còn người được bổ sung một mũi vaccine Pfizer/BioNTech giảm còn 45%. Người tiêm cả ba mũi vaccine Pfizer/BioNTech cũng bị giảm hiệu quả bảo vệ xuống mức 45%. Dù vậy, hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta ở tất cả trường hợp vẫn giữ được ở mức trên 80% trong cùng khoảng thời gian.

Trên cơ sở này, các chuyên gia thuộc Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI), cơ quan tư vấn về vaccine của chính phủ Anh, đã khuyến nghị triển khai tiêm mũi thứ tư càng sớm càng tốt, ưu tiên các đối tượng cao tuổi và có hệ miễn dịch bị suy yếu, như Israel. Theo Phó Chủ tịch JCVI - GS Anthony Harnden, những người cần tiêm mũi bổ sung cần cách ít nhất bốn tháng sau lần tiêm tăng cường đầu tiên, có nghĩa là lần tiêm thứ tư nếu được triển khai thì sớm nhất là trong năm 2022.

Vẫn còn ý kiến lo ngại

Dù có vẻ các thông tin có được hiện nay đều hướng tới sự cần thiết của mũi tiêm thứ tư, một số chuyên gia vẫn nghi ngại việc tiêm quá nhiều vaccine như vậy. Chẳng hạn ở Israel, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ y tế công cộng Israel - GS Hagai Levine cho biết quốc gia này hiện chưa chứng kiến ca nhiễm tăng mạnh, số ca trung bình hằng ngày hiện khoảng 1.200 ca, giảm từ mức 11.000 ca trong giai đoạn đỉnh điểm của đợt dịch do biến thể Delta gây ra hồi tháng 8. Ông cũng cho biết chưa có bằng chứng nào cho thấy phải tiêm mũi thứ tư để ngăn nguy cơ bệnh nặng do biến thể Omicron.

“Tôi tôn trọng ý kiến của những người cho rằng thà lựa chọn cách an toàn hơn là hối tiếc và không có vấn đề gì nếu chuẩn bị trước mọi thứ. Nhưng trước khi triển khai tiêm mũi thứ tư, tốt hơn nên chờ thêm dữ liệu khoa học” - ông Levine nói.

GS Dror Mevorach, người đứng đầu khu điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y tế Hadassah ở thủ đô Jerusalem, cũng có chung quan điểm. Ông cho rằng Israel lúc này là nước dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm mũi thứ ba không có nghĩa là phải tiếp tục vội vàng tiêm mũi thứ tư mà chưa có cơ sở khoa học. Theo chuyên gia này, việc kháng thể giảm theo thời gian là điều bình thường và tăng cường lượng kháng thể một cách ép buộc có thể chỉ mang lại lợi ích hạn chế. Ông thậm chí cảnh báo tiêm quá nhiều mũi tăng cường có thể khiến hệ miễn dịch bị mệt mỏi, ảnh hưởng tới khả năng chống lại virus.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng chiến dịch tiêm mũi thứ tư của Israel dựa trên “sự hoảng sợ” chứ không phải khoa học. Thay vì tiếp tục triển khai các đợt tiêm tăng cường, nước này nên dành nguồn lực để tiêm cho những người vẫn hoàn toàn chưa được chủng ngừa. Nhiều người trong số này nằm trong nhóm cộng đồng yếu thế và khó tiếp cận với cơ sở tiêm chủng.

Một số người Israel từng coi việc đất nước của họ đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng toàn dân là một “đặc ân”, đồng thời là “tấm vé” để nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường mới. Nhưng giờ việc phải tiêm tới bốn mũi vaccine một năm khiến nhiều người ngần ngại.

“Giống như nhiều người, tôi cảm thấy rất phân vân. Tôi không muốn doanh nghiệp của mình phải đóng cửa chút nào nhưng tôi có cảm giác họ chưa có đủ dữ liệu về mũi thứ tư” - ông Chely Edery (59 tuổi), chủ một cửa hàng quà tặng ở thủ đô Jerusalem, cho hay.

Ông Benny Muchawsky (80 tuổi), một kiến trúc sư sống tại TP Tel Aviv, cũng tỏ ra lo ngại với viễn cảnh phải tiêm thêm một mũi nữa sau mũi thứ ba. Ông cho rằng Israel giờ chẳng khác gì một phòng thí nghiệm và người dân bị bắt tham gia hết thử nghiệm này tới thử nghiệm khác.•

Các hãng sản xuất vaccine nói gì?

Theo trang tin Cnet, Giám đốc của hãng dược Mỹ Pfizer - ông Albert Bourla hồi đầu tháng đã lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của mũi thứ tư trước sự xuất hiện của biến thể Omicron. Ông từng tính rằng thời điểm tiêm mũi thứ tư sẽ là 12 tháng sau mũi thứ ba, tuy nhiên giờ ông cho rằng thời gian có thể cần rút ngắn hơn vì Omicron lây lan mạnh. Hiện Pfizer vẫn đang nghiên cứu xem liệu chỉ tiêm ba mũi vẫn đủ để bảo vệ trước Omicron hay không và trong bao lâu.

Về phía hãng dược Mỹ Moderna, phát ngôn viên công ty này khi được Cnet phỏng vấn cũng cho biết vẫn đang nghiên cứu hiệu quả vaccine của hãng trước biến thể Omicron nên chưa thể trả lời ngay liệu có cần tiêm mũi thứ tư hay không. Nếu cần phải phát triển thêm một loại vaccine riêng cho biến thể mới thì hãng sẽ cố gắng cho ra thành phẩm vào năm sau.

 

Xem thêm: lmth.2816301-ut-uht-ium-91divoc-eniccav-meit-neyuhc-hnauq-naohk-nab/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Băn khoăn quanh chuyện tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ tư”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools