Thông thường cuối năm, nông sản lại ùn ứ ở cửa khẩu các tỉnh biên giới với Trung Quốc nhưng năm nay tình hình nghiêm trọng hơn khi nước này siết chặt các biện pháp phòng dịch. Hàng nghìn container (80% là hàng nông sản, trái cây dễ hư hỏng) phải nằm im chờ ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh...
Một tháng nay, anh Quang, lái xe chở mít từ Tiền Giang cùng hàng nghìn tài xế khác trong cảnh "ăn trực nằm chờ" thông quan tại các cửa khẩu Lạng Sơn.
"Chúng tôi đã quá mệt mỏi. Hôm qua gọi điện cho chủ hàng, họ đồng ý để xe quay đầu về, không chờ thêm được nữa. Hàng bảo quản lạnh, giờ đã hỏng tới 70%, phần hỏng thì sẽ đổ bỏ, phần nào vớt vát được thì bán rẻ để thu hồi được đồng nào hay đồng đó", anh Quang nói về thùng hàng với phần lớn trái mít đã chuyển màu thâm đen.
Có hàng nghìn tài xế chở nông sản đang bị tắc tại các cửa khẩu biên giới lâm vào cảnh chầu trực, chờ đợi như anh.
Tình trạng hàng hoá ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Tính toán của Cục Hải quan Lạng Sơn cho thấy, với thực tế thông quan mỗi ngày chỉ vài chục xe, tới Tết Nguyên đán mới giải phóng được một nửa số đang ùn tại các cửa khẩu địa phương này.
Tỷ lệ lớn xe xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch mậu biên, cũng là lý do khiến dòng xe ùn tắc dài dịp cuối năm. Theo hải quan Lạng Sơn, tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch qua tỉnh này thấp, chỉ khoảng 3%, còn phần lớn hàng xuất diện tiểu ngạch.
Chia sẻ với VnExpress, Tiến sĩ Võ Mai, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng những hình ảnh gần đây cho thấy doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt đang phụ thuộc quá lớn vào một thị trường truyền thống. Hàng xuất qua đường tiểu ngạch, nên khi phía bạn thay đổi chính sách là doanh nghiệp, thương nhân thiệt hại đủ đường.
"Lâu nay, nhiều thương nhân vẫn quen cung cách làm việc với bạn hàng Trung Quốc theo kiểu "alo là có hàng", bà nêu thực tế.
Rủi ro từ xuất khẩu tiểu ngạch qua đường biên mậu được nhắc nhiều, nhưng bản thân nhiều chủ hàng, doanh nghiệp vẫn "chuộng" xuất theo hướng này vì đưa hàng đi nhanh, chi phí rẻ hơn xuất chính ngạch. Vì thế ít doanh nghiệp quan tâm đúng mực tới việc cần thay đổi.
Cách làm mới được bà nhắc tới, trước tiên là doanh nghiệp cần thay đổi phương thức xuất khẩu, từ tiểu ngạch qua mậu biên sang chính ngạch.
Tiến sĩ Mai cho rằng, cung cách làm ăn lâu nay đã không còn hợp thời khi Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Họ đã nâng tiêu chuẩn, quy chuẩn với hàng nhập khẩu từ các nước nên "giờ chúng ta không chuyển đổi sản xuất là thua".
Từ 1/1/2022, theo chính sách mới, tất cả hàng hoá thực phẩm, trong đó có nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc bắt buộc phải đáp ứng các quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn.
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương), điều này càng là lý do doanh nghiệp xuất khẩu cần chuyển nhanh sang đường chính ngạch.
"Tiêu chuẩn, kỹ thuật nhập khẩu hàng hoá nhập khẩu từ các nước đều được Trung Quốc nâng lên so với trước. Vì thế, thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, nông sản cũng cần thay đổi tư duy", ông nhận xét.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty Thanh Long Hoàng Hậu thừa nhận đã tới lúc doanh nghiệp cần thay đổi, trước tiên là phương thức vận chuyển hàng.
Vài năm gần đây, doanh nghiệp chủ yếu xuất hàng bằng đường biển sang Trung Quốc, chỉ số ít đi đường bộ. Họ cũng đang có xe hàng tắc, nằm chờ dài ngày tại cửa khẩu Lạng Sơn. Nếu tình hình không cải thiện, ông cho biết công ty sẽ chuyển hướng sang đường biển hoặc đường sắt để hoạt động xuất khẩu thông suốt hơn.
"Giải tỏa xong số hàng đi đường bộ, chúng tôi sẽ đưa hàng sang bằng đường biển, chứ vài năm lại tắc biên dài ngày như thế này thiệt hại quá", ông chia sẻ.
Dự đoán được tình hình xuất khẩu gặp khó, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết đã ngưng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc bằng đường bộ hai tháng nay. Mọi hoạt động giao dịch đã được công ty chuyển hướng sang xuất chính ngạch bằng đường biển để thông suốt.
Ngoài ra, thay vì xuất khẩu tăng cường sang Trung Quốc thời điểm này, công ty đẩy mạnh hàng sang các thị trường khác như châu Á, Trung Đông, Mỹ. Nhờ chuyển hướng sớm, doanh thu của doanh nghiệp vì thế không ngừng tăng.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Công Thương cũng từng khuyến khích doanh nghiệp cần chuyển nhanh sang xuất chính ngạch. Thực tế cho thấy, trong những thời điểm khó khăn nhất, xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, trong khi tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài chuyên nghiệp hoá hoạt động xuất khẩu, lối ra căn cơ cho nông sản là giải quyết những vấn đề gốc rễ như tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; mở rộng thị trường tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký.
"Sản xuất theo chuỗi liên kết, theo tín hiệu thị trường thì mới gỡ được bài toán lệch pha giữa năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường", ông Thắng nói với VnExpress.
Theo ông, trước nay sản xuất nông nghiệp vẫn rơi vào mâu thuẫn lớn về cơ cấu, là nền sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ với hàng nghìn nông dân tham gia. Mặt hàng nào giá cao thì đổ xô vào làm, dẫn tới tình trạng sản phẩm nông nghiệp chưa theo tín hiệu thị trường. Tới giờ, tư duy làm nông nghiệp cần thay đổi mạnh mẽ hơn, theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất ra cái thị trường cần.
Tiến sĩ Võ Mai cũng đồng tình và nhấn mạnh rằng trước tiên phải nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. "Hãy bỏ quan điểm hàng bán cho Trung Quốc thì có thể kém hơn hàng bán đi châu Âu, Mỹ hay Nhật. Chất lượng hàng một khi xuất khẩu là phải đồng nhất, để thị trường này "tắc", chúng ta có thể lập tức quay sang xuất nơi khác mà không gặp khó khăn trong xác định lại mã vùng trồng hay chất lượng sản phẩm...", bà nhận xét.
Cùng đó, nhà sản xuất, doanh nghiệp cần mở rộng thêm nhiều thị trường cho hàng xuất khẩu, thay vì phụ thuộc vào một thị trường truyền thống và đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển các kho lạnh bảo quản hàng hoá. Ở khía cạnh này, Tiến sĩ Mai nói, cá thể hộ nông dân khó lòng làm được.
Bà gợi ý, cần những doanh nghiệp hạt nhân, đầu tư công nghệ chế biến sâu, theo chuỗi. Xoay quanh doanh nghiệp hạt nhân này là các hợp tác xã với tập hợp từ hàng nghìn hộ sản xuất. Như vậy, sản xuất cái gì, bán cho thị trường nào, tiêu chuẩn ra sao sẽ do doanh nghiệp hạt nhân quyết định. Chất lượng, tiêu chuẩn xuất xứ sẽ đảm bảo tính đồng nhất.
"Chúng ta đã có những kết quả thành công ban đầu từ một số mặt hàng nông sản như trái vải, sầu riêng sang Mỹ, Australia... Cần đẩy mạnh hơn để tận dụng các cơ hội mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống", bà nhắc lại.
Còn theo Tiến sĩ Võ Mai, ngoài đa dạng hóa, sản xuất theo thị trường, thì mấu chốt là người sản xuất, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy. Họ cần làm tốt thương hiệu, xúc tiến vào sâu thị trường nội địa, có mã vùng, mã vạch, xuất xứ đầy đủ...
Với thị trường trong nước cùng 100 triệu dân, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng.
Việt Nam đã trở thành nơi cung cấp nhiều loại nông sản có lợi thế cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp tập trung vào chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, đạt các tiêu chuẩn và đẩy mạnh quảng bá, theo bà Mai, sẽ tăng được thị phần tại các thị trường khó tính, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, bà lưu ý, trong cuộc chơi này Nhà nước, các cơ quan chuyên môn phải cùng vào cuộc, phát triển các doanh nghiệp hạt nhân, chứ "không để người nông dân tự bơi".
Anh Minh - Hồng Châu