Ngày 28-12, Bộ Y tế báo cáo Việt Nam chính thức ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên. Trường hợp này là hành khách, nhập cảnh từ Anh, đến sân bay Nội Bài tối 19-12.
Sức khỏe bệnh nhân ổn định
Theo Bộ Y tế, khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tại sân bay, hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng về khu cách ly tại Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108 và được cách ly tại phòng riêng ở khu vực nhà lưu trú. Khoa sinh học phân tử của BV đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính. BV đã tiến hành giải trình tự bộ gen SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới, kết quả bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529).
Đến chiều 28-12, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 nhẹ, tình trạng sức khỏe ổn định, không có triệu chứng và được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Trước diễn biến trên, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 nói chung và khả năng nhiễm biến chủng Omicron nói riêng.
Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ ngày 28-11 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh). Đồng thời phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến chủng Omicron.
Với những trường hợp ghi nhận người dương tính với biến chủng Omicron thì tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trước đó, gửi các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur xét nghiệm, giải trình tự gen xác định biến chủng Omicron.
Đồng thời tăng cường hệ thống giám sát ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể…), trên cơ sở đó chủ động, phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh.
Địa phương tổ chức tiêm ngay lượng vaccine đã được phân bổ để tăng tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19, trong đó chú ý tiêm cho những đối tượng chưa hoặc tiêm chưa đủ liều trên địa bàn. Ngoài ra cần triển khai tiêm vaccine liều bổ sung, tăng cường cho các đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sau khi được Sở Y tế chỉ định, BV Da liễu TP.HCM đã khởi động lại BV dã chiến số 12, tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, đặc biệt là chuẩn bị ứng phó khi có bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron. Trong ảnh: 45 bác sĩ BV Da liễu lên đường nhận nhiệm vụ vào ngày 7-12. Ảnh: BVCC
Hà Nội, TP.HCM tăng cường giám sát người nhập cảnh
Riêng việc phòng chống biến chủng mới, TP Hà Nội yêu cầu ba ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, người nhập cảnh phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ ba kể từ ngày nhập cảnh. Nếu âm tính, tiếp tục theo dõi sức khỏe đến 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp dương tính thì xử lý theo quy định.
Còn tại TP.HCM, TP đề ra tám nhóm giải pháp phòng ngừa biến chủng mới, gồm: Tăng cường giám sát, kiểm dịch tại cửa khẩu hàng không, hàng hải. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến chủng Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp.
Tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Tăng cường cập nhật thông tin liên tục trên thế giới về biến chủng Omicron để có đánh giá đúng mức về sự nguy hiểm, chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả.
Triển khai đầy đủ, kịp thời việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp TP đến cấp huyện và cấp xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc theo cấp độ nguy hiểm của dịch do biến chủng Omicron gây ra.
Tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng. Xây dựng kế hoạch triển khai BV dã chiến hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 ở cấp huyện, sẵn sàng kích hoạt và đưa vào hoạt động ngay khi có yêu cầu.
Omicron ở nước nhiệt đới không hoành hành như ở các nước ôn đới Liên quan đến biến chủng mới Omicron, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho rằng biến chủng Omicron xuất hiện ở Việt Nam là hệ quả tất yếu, không tránh được. Tuy nhiên, ở những nước có khí hậu nhiệt đới thì biến chủng Omicron không hoành hành như ở các nước ôn đới. Cụ thể, virus Corona sẽ khó lây và không lây lan nhanh, ít gây bệnh nặng hơn so với các nước ôn đới. Hơn nữa, khi khí hậu chuyển sang mùa nóng thì người nhiễm virus này cũng sẽ khó bị viêm phổi hơn. BS Khanh nhận định biến chủng Omicron có sự thay đổi protein gai làm cho khả năng nhân lên ở đường hô hấp trên (mũi, hầu, họng) nhanh hơn, do đó thời gian ủ bệnh, hết bệnh cũng ngắn hơn. Ngoài ra, người nhiễm biến chủng này ít có triệu chứng hoặc không có triệu chứng nhiều hơn, do đó cũng lây lan nhiều hơn. “Người dân cần nghiêm túc thực hiện 5K (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập, khử khuẩn, khai báo y tế) và tiêm vaccine bổ sung (mũi 3). Người có kháng thể bảo vệ cao nếu có bệnh cũng bệnh rất nhẹ, khó bệnh hoặc bệnh nhẹ hơn người chưa tiêm vaccine” - BS Khanh nói. |