Từ ngày 29 đến 31-12, tại Hà Nội, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam sẽ chính thức diễn ra. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, kỳ vọng đại hội sẽ khích lệ được tinh thần phục vụ, tinh thần cống hiến của các nhà báo.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Báo chí ngày càng trở nên hết sức quan trọng
. Phóng viên: Thưa ông, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra vào những ngày cuối năm 2021 có ý nghĩa như thế nào?
+ Ông Hồ Quang Lợi: Đại hội năm nay diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vậy nên, đây là thời điểm lực lượng báo chí chúng ta nhận thức một cách sâu sắc hơn trách nhiệm xã hội, sứ mệnh lớn lao của giới báo chí đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, kế thừa thành quả phát triển giai đoạn vừa qua để vượt qua những khó khăn, thách thức đang đặt ra…
. Đó là những khó khăn, thách thức nào, thưa ông?
+ Đó là chúng ta vừa phải kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại, đồng thời cũng phải nỗ lực vượt bậc để đưa đời sống kinh tế - xã hội từng bước trở lại bình thường. Vậy thì báo chí phải góp phần tạo ra một nguồn năng lượng mới, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội. Bên cạnh sức mạnh vật chất, chúng ta cũng phải tạo ra sức mạnh tinh thần mạnh mẽ hơn nữa và chuyển thành động lực lớn xây dựng, bảo vệ đất nước. Đó là một nhiệm vụ rất lớn của báo chí.
. Ông nhìn nhận vai trò của báo chí trong giai đoạn vừa qua và sắp tới như thế nào?
+ Chúng ta phải có cái nhìn toàn diện và khách quan.
Trước hết phải thấy được những đóng góp tích cực, thành tựu nổi trội của báo chí. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những đóng góp xứng đáng của báo chí đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, vai trò của báo chí ngày càng trở nên hết sức quan trọng.
Chúng ta có rất nhiều tấm gương rất sáng trong lao động nghề nghiệp, thể hiện tinh thần dấn thân, tinh thần cống hiến rất cao, nhất là trên những mặt trận gian khổ, khó khăn, nguy hiểm. Nhà báo, PV đã không quản khó khăn, nguy hiểm, kiên cường tác nghiệp trên mặt trận chống COVID-19, mặt trận chống tham nhũng tiêu cực, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt. Tất cả những điều đó cho thấy báo chí luôn tiên phong trên tuyến đầu. Đó là điều cần nhấn mạnh và khích lệ.
Nhưng cũng cần nhìn rất thẳng thắn và thấy rằng vẫn còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm trong báo giới, báo chí.
Phóng viên tác nghiệp trong đợt dịch COVID-19 tại TP.HCM hồi tháng 11.
Ảnh: NGUYỆT NHI
27.488 là số hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, tính đến cuối năm 2021. Hiện số hội viên này sinh hoạt tại 63 hội nhà báo các tỉnh, TP và 20 liên chi hội, 205 chi hội trực thuộc. |
Dấn thân đi liền chống tiêu cực
. Những thiếu sót, khuyết điểm đó là gì, thưa ông?
+ Một số cơ quan báo chí thực hiện chưa đúng tôn chỉ mục đích, tình trạng báo hóa tạp chí điện tử. Một bộ phận những người làm báo có biểu hiện sa sút phẩm chất của nhà báo cách mạng, từ đó có những vi phạm đạo đức nghề nghiệp và cả pháp luật. Trong đó, nhiều trường hợp đã bị xử lý ở các mức độ khác nhau, trong đó có những trường hợp đã bị xử lý hình sự.
Mặc dù số lượng nhà báo vi phạm là ít nhưng hậu quả, tác động tiêu cực từ những sai phạm ấy lại rất nghiêm trọng, gây tổn hại đến thanh danh của những người làm báo chân chính, làm giảm sút vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội.
. Đứng trước thực tế một bộ phận tiêu cực ấy, hội sẽ có những cách chấn chỉnh như thế nào?
+ Thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, nêu cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Thực sự đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cốt lõi, vấn đề sống còn của hoạt động báo chí. Chúng ta đã ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Nhìn lại có thể thấy hai văn bản quan trọng này đã phát huy tác dụng tích cực trong đời sống báo chí. Chúng ta khích lệ được tinh thần phục vụ, tinh thần dấn thân, cống hiến của các nhà báo nhưng đồng thời cũng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí. Báo chí của chúng ta ngày càng phát triển đúng hướng và lành mạnh hơn.
. Xin cám ơn ông.
Đạo đức nghề báo - vấn đề sống còn . Thưa, ông có kỳ vọng gì ở đại hội lần này? + Tôi hy vọng đại hội sẽ khích lệ được tinh thần cống hiến, tinh thần phục vụ của các nhà báo. Chúng ta làm nghề với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý. Làm nghề vì lợi ích của cộng đồng, lợi ích của nhân dân. Đại hội này sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ để các nhà báo chúng ta nhận thức một cách sâu sắc hơn nữa trách nhiệm của mình trước đất nước và nhân dân. Sẽ có những chương trình, đề án cụ thể trong từng lĩnh vực để chúng ta xây dựng được đội ngũ những người làm báo vững vàng bản lĩnh chính trị, tinh thông nghiệp vụ… Và đặc biệt phải nêu cao đạo đức nghề báo, tôi xin nhấn mạnh lại, đó là vấn đề sống còn. . Theo ông, để đạt được những vấn đề đó, báo chí cần phải có hành động cụ thể gì? + Theo tôi, cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong kỷ nguyên số, nêu cao đạo đức làm nghề thì chúng ta phải từng bước giải quyết tốt vấn đề kinh tế báo chí. Báo chí phải xác lập được vị thế tích cực trong các mối quan hệ xã hội và hoạt động lành mạnh. Tôi tin báo chí sẽ nhận được ngày càng nhiều hơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành, các cấp, các địa phương, sự tin cậy của nhân dân… Điều đó chỉ có thể có được khi báo chí phát huy được mặt mạnh, nghiêm túc khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, không ngừng vươn lên, làm tốt nhiệm vụ của mình. Tôi nghĩ với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của đội ngũ những người làm báo, cùng với sự chung tay vun đắp của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ xây dựng, phát triển được một nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại. |