Don't look up đã mượn hài kịch đen để nói về thái độ của nhân loại trước cái chết - Ảnh: IMDb
Leonardo DiCaprio, Jennifer Lawrence, Meryl Streep, Jonah Hill, Timothée Chalamet, Cate Blanchett, Mark Rylance, Ariana Grande, Matthew Perry và hàng chục diễn viên điện ảnh gạo cội đã làm nên vở đại hý kịch mang tên Don’t look up (tựa Việt: Đừng nhìn lên).
Hành vi của con người trước cái chết
Don’t look up xoay quanh thế giới quan của hai thầy trò Randall Mindy và Kate Dibiasky kể từ khi họ phát hiện một thiên thạch khổng lồ đang lao vào Trái đất.
DON’T LOOK UP trailer
Chắc chắn thế giới sẽ tuyệt diệt sau vụ va chạm. Cả hai bắt đầu tham gia dự án giải cứu hành tinh với sự dẫn đầu của Chính phủ Mỹ và NASA. Mở đầu bộ phim theo một cách "cliché", rập khuôn hệt như các bộ phim về ngày tận thế, Don’t look up dễ khiến người xem hình dung đây là tác phẩm thảm họa.
Thế nhưng, đạo diễn Adam Mckay - người đã dành cả sự nghiệp cho phim hài đen - đã biến Don’t look up thành tác phẩm kinh điển của dòng phim này.
Hóa ra cuộc giải cứu của thầy trò tiến sĩ Randall không mang tính sử thi giống như trên phim ảnh. Và hóa ra, thế giới không được vận hành theo hướng con người sẽ sợ hãi khi cái chết ập đến.
Cảnh phim Don't look up
Trong lúc Randall và Kate gào thét với mọi người xung quanh rằng sắp có một thiên thạch đang lao đến, tất cả đều cười khẩy và bỡn cợt, kể cả tổng thống Mỹ. Bất lực, họ cầu cứu truyền thông, và rồi đến lượt các tờ báo biến cả hai thành những nhân vật giải trí trên sóng truyền hình.
Bộ phim là tập hợp một tấn trò đời, nơi giễu nhại nạn phân biệt chủng tộc, thói đạo đức giả chính trị, sự phù phiếm của truyền thông, những mối bận tâm hèn mọn của con người và sự thống trị của mạng xã hội.
Dù là một tác phẩm điện ảnh, Don’t look up cho phép khán giả tin con người sẽ phản ứng đúng như vậy khi biết tin vụ va chạm hủy diệt sắp diễn ra.
Trong thế giới thực, cứ mỗi tuần trôi qua lại có hàng chục cảnh báo về tận thế. Sự chai sạn thông tin khiến chúng ta chẳng còn quan tâm đến thứ gì đủ nhiều trừ khi có một bộ phim ăn theo ra mắt, như bom tấn 2012 chẳng hạn.
Thảm họa chỉ là cái cớ để bộ phim đào sâu vào hành vi con người trước cái chết, bộc lộ những vết nứt của xã hội, đó mới chính là mồ chôn nhân loại chứ chẳng phải do hòn đá nào cả.
Cảnh phim Don't look up
Đối diện với sự phi lý
Kịch bản Don’t look up được định hình theo chủ nghĩa phi lý của Albert Camus, nơi những mong muốn cứu Trái đất của hai nhân vật chính mâu thuẫn với thế giới thực tại.
Theo Camus, đời sống này là phi lý bởi sự lệch pha giữa kế hoạch mà chúng ta vẽ ra cho cuộc đời mình và sự dửng dưng đầy chế nhạo của vũ trụ.
Trong bộ phim, khi đối diện với thảm cảnh, chỉ con người là hỗn loạn, còn các sinh vật trên Trái đất vẫn sống như chúng đã từng, chỉ là một mẫu trong sự vận động hủy diệt - tái sinh - tiêu vong.
Bi kịch của nhân loại nằm ở chỗ chúng ta đã cài quá nhiều dự án cuộc đời vào một thế giới bấp bênh, mâu thuẫn và luôn tự cho mình vị thế vượt lên hoàn vũ. Hai tiếng rưỡi của bộ phim, Don’t look up đã trả con người về lại với vị trí vốn có.
Cảnh phim Don't look up
Albert Camus vạch ra hai chiến lược để đối đầu với sự phi lý của cuộc đời, một trong đó là tự tử. Don’t look up đã diễn giải đúng như vậy khi trưng ra vở hài kịch của chính trị, truyền thông, mạng xã hội trước sự kiện va chạm để ngầm ẩn về sự tự sát của con người. Nhưng suy cho cùng, tự vẫn là hành động chối bỏ tự do một cách hèn nhát.
Chiến lược thứ hai kêu gọi con người sẵn sàng cho cái chết với một thái độ nổi loạn. Khác với định nghĩa nổi loạn thông thường, đối với tiến trình sinh - tử, con người không thể chống đối bằng cách bất tử. Sự nổi loạn của Don’t look up là tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, niềm tin dù cho ở giây phút cuối cùng.
Hình ảnh gia đình giáo sư Randall và những người bạn của ông nắm tay nhau cầu nguyện ngay khoảnh khắc thiên thạch va chạm đã biểu hiện cho sự trưởng thành của nhân loại. Chúng ta phá rối cái chết bằng niềm hạnh phúc.
Cảnh phim Don't look up
Không đặt nặng yếu tố diễn xuất
Trong một bộ phim lấy tình tiết làm trọng tâm như Don’t look up, diễn xuất hay tâm lý nhân vật lại chưa được trau chuốt, dù phim sở hữu số lượng đồ sộ các diễn viên từng nhận Oscar.
Nổi bật trong phim, Meryl Streep trong vai nữ tổng thống Mỹ đã đưa đẩy cảm xúc người xem từ ức chế, tức giận đến buồn cười và trở thành biểu tượng cho sự giễu nhại sâu cay.
Ngược lại, hai nhân vật chính do Leonardo DiCaprio, Jennifer Lawrence đóng chỉ mới ở mức tròn vai, chưa tạo được linh hồn riêng cho cá tính nhân vật.
TTO - Spider-Man: No Way Home (Người Nhện không còn nhà) đạt doanh thu 1,05 tỉ USD vào chủ nhật (26-12). Đây là phim đầu tiên đạt thành tích này kể từ cuối năm 2019, khi COVID-19 bùng phát.
Xem thêm: mth.49683209092211202-ned-iah-mihp-ob-al-ioig-eht-pu-kool-t-nod/nv.ertiout