Hành khách mặc đồ bảo hộ chờ qua cửa an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông M. được phát hiện mắc chủng virus mới này qua giải trình tự gene.
Trong khi đó biến thể Delta vẫn đang hoành hành mạnh mẽ bởi chỉ trong ngày 28-12, cả nước đã ghi nhận 14.440 ca mắc mới và có 214 ca tử vong. Hệ thống y tế không ít tỉnh thành cũng đang quá tải. Trong tình hình này, ngành y tế cần ứng phó ra sao?
Omicron đã vào Việt Nam
Theo thông tin từ Bệnh viện 108, ông M. được xét nghiệm nhanh phát hiện dương tính ngay sau khi nhập cảnh ngày 19-12 và được xe chuyên dụng chở về cách ly tại bệnh viện.
Khi xét nghiệm PCR dương tính cộng với tiền sử là ông M. về từ Anh, nơi ca mắc chủng Omicron khá nhiều. Do đó bệnh viện đã giải trình tự gene virus gây bệnh để giám sát. Kết quả nghi ngờ bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron nhưng chưa khẳng định rõ.
Đến ngày 21-12, bệnh viện lấy mẫu và giải trình tự gene lại, khẳng định bệnh nhân M. nhiễm chủng B.1.1.529 - Omicron, với các đột biến trên protein gai. Thông thường virus SARS-CoV-2 thể biến chủng Omicron có 26-36 đột biến thì virus gây bệnh ở bệnh nhân M. có 34 đột biến.
Hiện tại bệnh nhân M. đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện 108 trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có triệu chứng lâm sàng nào.
Bệnh viện cũng cho biết từ tháng 9 đến nay đã giải trình tự gene hơn 1.000 mẫu virus gây COVID-19 ở bệnh nhân Việt Nam, phát hiện có 1.000 mẫu nhiễm chủng Delta. Đây là lần đầu tiên ghi nhận ca nhiễm chủng Omicron tại Việt Nam.
Đối phó với Omicron
Phát biểu ngày 27-12 tại buổi mittinh có chủ đề về phòng chống bệnh dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đến nay Việt Nam đã tiêm xấp xỉ 147 triệu liều vắc xin, ở vị trí thứ 52 trong số 63 quốc gia/vùng lãnh thổ đã bao phủ 2 mũi vắc xin cho từ 70% dân số.
Tuy nhiên với chủng mới Omicron, 2 mũi vắc xin liệu đã đủ? Trả lời về vấn đề này, một chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng việc bổ sung mũi 3 có giá trị đáng kể trong ngăn lây nhiễm chủng mới Omicron.
Từ đó nếu giảm được số ca mắc mới cũng sẽ giảm được số chuyển nặng và tử vong. Bộ Y tế đang đặt mục tiêu sớm hoàn tất mũi tiêm thứ 3, trước hết cho người từ 50 tuổi trở lên và nhóm có bệnh nền. Đây là nhóm nguy cơ cao nhất.
TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên triển khai tiêm mũi 3 và hiện cũng dẫn đầu cả nước về số mũi 3 đã tiêm. Hà Nội - địa phương có số mắc mới cao những ngày gần đây - theo bà Dương Thị Hồng, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, từ 20-12 đến nay Bộ Y tế đã phân bổ thêm cho Hà Nội tổng số trên 2,3 triệu liều vắc xin cho tiêm vét mũi 2 và tiêm mũi 3.
"Có 3 điểm mấu chốt trong phòng dịch COVID-19 hiện nay. Thứ nhất là Việt Nam đã bao phủ vắc xin cho trên 70% dân số, đạt yêu cầu phòng dịch. Thứ 2 là văn hóa trong giao tiếp, trong thực hiện 5K và các biện pháp phòng dịch.
Điểm này người Việt đã có những đáp ứng đáng kể thời gian qua, như khẩu trang hiện nay đã trở thành vật thiết thân với người dân hằng ngày.
Thứ 3 là mức độ sẵn sàng, vẫn còn những điểm chưa đạt yêu cầu, như số giường bệnh cấp cứu, điều trị, thuốc men, oxy y tế nếu số ca bệnh tăng" - một chuyên gia của Bộ Y tế nhận định thêm.
Trong khi đó, dự kiến ngày 1-1-2022 Việt Nam sẽ cho bay quốc tế thường lệ trở lại. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng điều quan trọng hiện nay phải làm sao giảm được số ca bệnh COVID-19 chuyển nặng và ca tử vong, cùng với mục tiêu giảm số ca mắc mới.
Nguy cơ có thêm ca mắc Omicron mới, nhưng theo các chuyên gia, cũng không nên quá lo lắng. Phải bình tĩnh thì mới có thể chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới.
TP.HCM với "thế trận y tế"
Từ khi biến thể Omicron được ghi nhận ở một số nước trên thế giới, TP.HCM đã chủ động xây dựng "thế trận y tế" nhằm ứng phó.
Trong đó có các giải pháp cụ thể như TP.HCM tăng cường kiểm dịch y tế tại cửa khẩu hàng không, hàng hải. Hành khách đi chuyến bay quốc tế phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh, tổ chức cách ly kiểm dịch, xét nghiệm kiểm tra theo quy định.
Đối với những chuyến bay, chuyến tàu xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia xuất hiện biến thể Omicron, bắt buộc cách ly tập trung; ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp.
Những người trên 65 tuổi ngồi đợi tiêm mũi 3 tại Bệnh viện quận 3, TP.HCM sáng 27-12 - Ảnh: T.T.D.
Tổ chức tầm soát, sàng lọc tại các cơ sở y tế, trong cộng đồng, doanh nghiệp nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19.
Tổ chức cách ly riêng biệt, giám sát bằng xét nghiệm giải trình tự gene tất cả trường hợp dương tính như người nhập cảnh trong vòng 28 ngày và người tái mắc COVID-19.
Nếu bệnh nhân mắc biến thể Omicron sẽ được chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly, điều trị riêng biệt, không cách ly chung với các bệnh nhân thuộc biến chủng khác.
Đặc biệt khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây và người tiếp xúc gần để dập dịch. Tùy theo mức độ nguy hiểm sẽ kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát tương ứng.
Bên cạnh việc duy trì đầy đủ, hiệu quả các trạm y tế lưu động, tổ chức chăm sóc F0 tại cộng đồng, ngành y tế TP đang đẩy mạnh chương trình "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" nhằm kịp thời tiêm vắc xin COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại bảo vệ nhóm nguy cơ.
HOÀNG LỘC
Anh, Mỹ: ăn mừng năm mới thận trọng
Theo số liệu từ Cơ quan An ninh y tế Anh, tính tới ngày 27-12, nước này ghi nhận tổng cộng 159.932 ca nhiễm với biến thể Omicron.
Diễn biến đáng chú ý ở Anh xảy ra vào ngày 18-12, khi Cơ quan An ninh y tế Anh thông báo ghi nhận tới 10.059 ca mắc biến thể Omicron chỉ trong 24 giờ. Khi đó tổng số ca mắc biến thể đáng lo ngại này ở xứ sở sương mù đang là 24.968 ca.
Ngày 27-12, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết nước Anh sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế phòng dịch mới nào trước khi kết thúc năm 2021, vì chính phủ đang chờ có thêm bằng chứng xem ngành y tế có thể trụ vững hay không.
Bộ trưởng Javid nói rằng biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hiện chiếm khoảng 90% các trường hợp trên khắp nước Anh. Ông Javid khuyến cáo người dân nên ăn mừng năm mới một cách thận trọng.
Theo Hãng tin Reuters, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy bệnh viện quá tải bệnh nhân, chính phủ sẽ cân nhắc tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
"Chúng tôi sẽ theo dõi cẩn thận tình hình trong bệnh viện - ông Javid nói và khẳng định thêm - Nếu cần phải hành động đương nhiên chúng tôi sẽ không do dự".
Ca nhiễm Omicron đầu tiên ghi nhận ở Mỹ vào ngày 1-12 và kể từ đó số ca nhiễm đã tăng hơn 40%, có mặt ở cả 50 bang của Mỹ.
Ngày 20-12, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) xác nhận Omicron đã "vượt mặt" các biến thể khác và trở thành biến thể chiếm đa số tại Mỹ.
Nhiều sự kiện lớn đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại tại quốc gia này. Bác sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc CDC, đã phải kêu gọi mọi người tiêm liều vắc xin tăng cường và cảnh báo về "làn sóng thủy triều Omicron".
MINH KHÔI
TTO - Bộ Y tế cho biết đã triển khai các biện pháp phòng chống, kiểm soát từ tối 27-12 sau khi ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên là một hành khách từ Anh về.
Xem thêm: mth.34382638092211202-oas-ar-ohp-gnu-man-teiv-o-oc-ad-norcimo/nv.ertiout