Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016.
Sáng 29.12.2021, công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2021, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KHĐT) cho biết, những yếu tố tác động như: Giá xăng dầu, giá gas tháng 12.2021 giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 12.2021 giảm 0,18% so với tháng trước, tăng 1,81% so với tháng 12.2020.
Tính chung cả năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 (tốc độ tăng CPI bình quân các năm 2016-2021 so với năm trước lần lượt là: Tăng 2,66%; tăng 3,53%; tăng 3,54%; tăng 2,79%; tăng 3,23%; tăng 1,84%). Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%).
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12.2021 tăng 1,81%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính, có 8 nhóm tăng giá và 3 nhóm giảm giá.
Ở chiều tăng giá, nhóm giao thông tăng cao nhất với 15,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá xăng dầu tăng 48,33%. Tính đến ngày 25.12.2021, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 22 đợt, trong đó giá xăng A95 tăng 6.820 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 7.040 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 5.200 đồng/lít.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,5% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 9,64% theo giá nguyên vật liệu đầu vào.
Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 12.2021 tăng 0,51% so với cùng kỳ năm trước do giá lương thực tăng 3,86% và nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,38%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,07%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,12%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,24%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,42%.
Ở chiều ngược lại, có 3 nhóm hàng giảm giá. Cụ thể, nhóm giáo dục giảm 3,49% do trong học kỳ I năm học 2021-2022, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn, giảm học phí. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,72% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,2% do giá du lịch trọn gói và giá khách sạn, nhà khách giảm khi chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý IV/2021 giảm 0,38% so với quý trước, tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016.
Xem thêm: odl.764989-yan-ned-6102-man-ut-ek-tahn-paht-gnat-1202-man-gnud-ueit-aig-os-ihc/et-hnik/nv.gnodoal