Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc khiến một số chỉ tiêu của ngành chưa đạt được.
Sáng 29.12.2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ và các giải pháp năm 2022, thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết trong năm 2021, ngành NNPTNT đã triển khai thực hiện Phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Bộ NNPTNT giai đoạn 2021 - 2025; triển khai thực hiện Đề án thành lập 2 Công ty TNHH một thành viên (Công ty Khai thác thủy lợi Cửa Đạt; Công ty Khai thác thủy lợi Tả Trạch trên cơ sở sắp xếp lại 2 Ban quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 3 và 5) để thực hiện nhiệm vụ công ích về quản lý, khai thác 2 công trình quan trọng thủy lợi, liên quan đến an ninh quốc gia.
Bộ NNPTNT đã chủ trì, phối hợp kiểm tra, đôn đốc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp trên cơ sở phương án được phê duyệt, đã chuyển sang hoạt động theo mô hình mới 166/256 công ty (đạt 64,8%)...
Tuy nhiên, “nút thắt” lớn nhất và khó khăn nhất của ngành nông nghiệp là “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đến nay, sau 4 năm được Bộ NNPTNT nỗ lực chỉ đạo triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC nhưng vẫn chưa thể gỡ bỏ thẻ vàng IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý) do nhiều tác động ngoại cảnh và cả những nguyên nhân nội tại.
Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp tiến độ hoàn thành và mức độ bền vững của một số tiêu chí nông thôn mới. Một số ít địa phương chạy theo phong trào công nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), chưa chú ý đến hiệu quả của Chương trình, nhất là khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, công tác bảo vệ rừng tại các địa phương bị ảnh hưởng, chậm tiến độ do nhiều địa phương trên cả nước thực việc hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.
Biến "nguy" thành "cơ", tăng trưởng GDP nông nghiệp mức 2,9% trong năm 2022
Đánh giá về những khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2021, Bộ NNPTNT đã xác định: “Khó khăn nhiều, thách thức lớn, nhưng phải hết sức bình tĩnh, "nóng nhưng không vội’ để cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả, biến "nguy" thành "cơ", từng bước phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản; nhất là việc chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước, vừa phục vụ xuất khẩu.
Để đạt các mục tiêu tăng trưởng, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng thương mại, ngành NNPTNT tranh thủ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTAs lớn thế hệ mới như EVFTA, tiếp tục chủ động đàm phán với đại sứ quán, tham tán thương mại nông nghiệp của một số nước, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… nhằm tháo gỡ khó khăn, mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, phối hợp, đồng hành với các địa phương kết nối cung cầu và tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch, hỗ trợ kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng, tham gia các sàn thương mại điện tử...
Năm 2022, ngành NNPTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8-2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản từ 2,9-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỉ USD; tỉ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.
Xem thêm: odl.415989-taht-tun-ueihn-noc-peihgn-gnon-hnagn-gnuhn-cul-yk-uahk-taux/et-hnik/nv.gnodoal