Toàn cảnh ngành nông nghiệp 2021 đã được mô tả sáng nay, tại hội nghị tổng kết năm cũ, triển khai nhiệm vụ năm mới 2022.
Báo cáo do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ hai đặt ngành nông nghiệp vào rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, những kết quả đạt được lại rất ấn tượng.
Cụ thể, giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85 - 2,9%; tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 68,2%.
Chỉ số bằng tiền có thể thấy từ kết quả phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. "Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD. Có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có sáu mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su" - Thứ trưởng Tiến cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và chủ trì hội nghị. Ảnh: Đ.TÙNG
Việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới. Nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng.
Năm 2021, thành lập mới 1.250 hợp tác xã nông nghiệp, thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên con số hơn 14.000.
Tại đầu cầu Lai Châu, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay năm qua, nông nghiệp tỉnh nhà bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Tuy nhiên, tỉnh đã triển khai nhiều đề án về sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển những mặt hàng đặc thù, đặc hữu, dựa trên nguồn lực của tỉnh. Nhờ vậy tốc độ phát triển nông nghiệp Lai Châu vào khoảng 5%.
Với các đề án đã được ban hành, đưa vào triển khai, nguồn lực đầu tư dự kiến trên 1.000 tỉ đồng sẽ thúc đẩy và nâng cao hiệu quả phát triển các mặt hàng mà tỉnh miền núi Tây Bắc này có thế mạnh truyền như chè, quế, và loại cây mới như mắc ca rất phù hợp với thổ nhưỡng Lai Châu. Đồng thời, tỉnh sẽ thúc đẩy mô hình chăn nuôi đại gia súc.
Có thế mạnh về tỷ lệ che phủ rừng, hơn 51% so với mức trung bình cả nước 42%, ở mảng lâm nghiệp, Lai Châu sẽ phát triển kinh tế dưới tán rừng như sâm, hoa địa lan...
Từ kinh nghiệm địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành đề án phát triển cây mắc ca. Bởi mắc ca là cây lâm nghiệp đa mục đích, vừa giúp phủ xanh rừng, sản phẩm thu hái dễ bảo quản, chế biến, có giá trị xuất khẩu cao.
Sơ chế vải thiều trước khi xuất khẩu tại Hải Dương. Ảnh: V.ANH
Từ đầu cầu Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cũng cho biết, năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng cao 6,9%. Riêng sản xuất vụ đông tăng tới 8,7%.
“Với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số, vừa qua, Hải Dương đã đưa hơn 300 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, thu về 1.400 tỷ đồng” - ông Hùng nói.
Công tác xây dựng nông thôn mới năm 2021 của Hải Dương đã tạo bứt phá cho việc cải thiện môi trường nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Kế sát Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên và cũng kết nối giao thông thuận tiện với Hà Nội, Hải Dương tới nay có 178/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12/12 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kiến nghị Chính phủ ban hành những cơ chế chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển ngành nông nghiệp trong điều kiện mới, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Đặc biệt, Hải Dương kiến nghị cần tháo gỡ, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung gắn với cơ giới hóa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp trong nông nghiệp.
Năm 2022, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp tăng trưởng 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp khoảng 49 tỷ USD; nâng số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng. |