Sáng nay (29/12), tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 3, vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Công trình cần thiết, cấp bách
Theo quy hoạch, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là đường vành đai liên vùng, điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm: TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài, TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành... Việc đầu tư khép kín đường vành đai 3 là điều kiện cần để đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm, hình thành hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực. Đồng thời, kết nối các đô thị vệ tinh, tạo tiền đề kêu gọi đầu tư, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP Hồ Chí Minh với Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam; phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về quy mô đầu tư giai đoạn 1 đầu tư khép kín đường vành đai 3 với quy mô 4 làn cao tốc hạn chế với chiều dài khoảng 76,36 km (chưa đầu tư đoạn Tân Vạn-Bình Chuẩn dài 15,3 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương).
Về nguồn vốn, TP Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương (Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội) để đầu tư dự án khoảng 83.290 tỷ đồng, bao gồm: Giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô hoàn chỉnh; xây dựng tuyến chính - đường cao tốc 4 làn xe hạn chế (bao gồm các nút giao trên tuyến) và đầu tư đường song hành hai bên).
Trường hợp khó khăn về ngân sách Trung ương, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, khoảng 47.000 tỷ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thời gian thực hiện là 2021-2026.
Dự án đầu tư khép kín đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Dự án đường vành đai 4 đi qua 12 huyện của 5 tỉnh, thành phố, dài 199 km, quy mô 8 làn xe. Đến nay, Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21 km bằng ngân sách địa phương, hiện đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Bình Dương và Đồng Nai cũng đã hợp tác đầu tư cầu Thủ Biên qua sông Đồng Nai kết nối 2 tỉnh. Long An đã đầu tư và đang khai thác đoạn Hựu Thạnh-Bến Lức dài 17,25 km bằng hình thức hợp đồng BOT.
"Dự án vành đai 3, vành đai 4 có vai trò huyết mạch đối với các địa phương trong vùng", Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi nói về lý do đầu tư dự án. "Đây cũng là địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Hiệu quả của dự án rất cao, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các địa phương". Ông Phan Văn Mãi đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư toàn bộ dự án. Nếu ngân sách trung ương khó khăn thì các địa phương sẽ cùng chia sẻ theo tỉ lệ phù hợp.
"Việc đầu tư đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và hệ thống cao tốc kết nối các đường vành đai giai đoạn 2021-2025 là cần thiết, cấp bách, cần ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện", Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình khẳng định thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, tỉnh đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn, đã lập dự toán, triển khai công tác bồi thường để bảo đảm có mặt bằng để quý I/2022 có thể khởi công tuyến cao tốc dài 6,3 km trên địa bàn tỉnh. Theo ông Cao Tiến Dũng, kinh phí cho giải phóng mặt bằng chiếm 80%, phần xây lắp chiếm 20%, "cần đầu tư từ vốn ngân sách thì PPP mới khả thi".
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, dự án đường vành đai 4 đi qua Bình Dương có 48 km thì đến nay tỉnh đã làm 21 km. Do yêu cầu phát triển của Bình Dương, phấn đấu trong nhiệm kỳ này, tỉnh sẽ hoàn thành tuyến này. Với đường vành đai 3, Bình Dương đã đầu tư xây dựng 15,3 km (trong tổng số 25,9 km), quy mô 6 làn xe. "Còn lại 10,6 km đi qua khu đô thị nên số vốn để giải phóng mặt bằng rất lớn, mong muốn được Trung ương hỗ trợ. Phần kinh phí xây lắp tỉnh có thể tự lo được".
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho rằng, việc sớm đầu tư khép kín đường vành đai 3, 4 hết sức cần thiết.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho rằng, các tỉnh không thể đi một mình mà cần kết nối với nhau để cùng phát triển. Do đó, việc sớm đầu tư khép kín đường vành đai 3, 4 hết sức cần thiết. Ông kiến nghị nên tách gói giải phóng mặt bằng riêng ra khỏi dự án đường vành đai 3 (dài 6,8 km đi qua tỉnh), giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Đoạn vành đai 4 đi trên Long An dài hơn 72 km, tỉnh cũng muốn tách riêng gói giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tỉnh chỉ có dự án đường vành đai 4 đi qua, dài hơn 18 km. Ông đề xuất, cần làm đồng bộ cả dự án, "tất cả các địa phương triển khai đồng thời, làm toàn tuyến để cùng đưa vào khai thác năm 2025 thì sẽ phát huy hiệu quả cao nhất".
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, dự án càng triển khai sớm càng tốt. Dự án cần một cơ quan chủ trì để xâu chuỗi toàn bộ dự án. Từng đoạn tuyến có thể áp dụng các hình thức đầu tư khác nhau. Các địa phương cần chủ động, có các phương án cụ thể.
Không đổi mới thì công việc sẽ chậm
"Dự án vành đai 3, 4 TP Hồ Chí Minh sẽ mở ra không gian phát triển cho TP Hồ Chí Minh và kết nối với các địa phương", Phó Thủ tướng mở đầu phát biểu kết luận cuộc làm việc. Thời gian qua, Trung ương, các bộ, ngành rất quan tâm và TP Hồ Chí Minh và các địa phương có nhiều cố gắng chuẩn bị dự án.
Đối với dự án đường vành đai 3, Phó Thủ tướng giao UBND TP Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì trình dự án này. TP Hồ Chí Minh chủ trì làm việc với tư vấn để rà soát kỹ, cả về chi phí đầu tư, kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng, phương thức đầu tư, để xây dựng dự án có hiệu quả nhất.
"Kinh phí đền bù, chi phí xây dựng đã chính xác chưa, tất cả yếu tố đó cần tính toán kỹ. Trong tổng số 88 km thì đoạn nào sử dụng hình thức đầu tư PPP, đoạn nào phải dùng 100% ngân sách", Phó Thủ tướng nói.
Khi dự án tổng thể được phê duyệt thì đoạn tuyến trên địa phương nào thì địa phương đó triển khai. Quan trọng nhất là vấn đề tiến độ và thực hiện, Phó Thủ tướng cho rằng, làm sao phấn đấu trình dự án lên Chính phủ vào tháng 2/2022.
Đối với đường vành đai 4, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, UBND các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đối với dự án trên địa bàn.
Nêu rõ tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu, "các địa phương cần chủ động thực hiện trên đoạn tuyến của mình, chủ động kêu gọi đầu tư". Bộ Giao thông vận tải nêu cao trách nhiệm, hỗ trợ các địa phương. Chúng ta không đổi mới thì công việc chậm lại, Phó Thủ tướng nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!