Hà Nội - Nổi tiếng là "đại công xưởng” sản xuất vàng mã ở Hà Nội, tuy nhiên do dịch COVID-19, người dân ở làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) đang phải chạy đua để tiêu thụ nốt những mặt hàng còn tồn ngay cả khi bước vào cao điểm vụ Tết Nguyên đán.
Sản xuất cầm chừng
Trao đổi với PV Lao Động, đa số người dân trong làng Phúc Am đều cho hay, mặc dù năm nay vẫn đa dạng về mặt hàng nhưng do dịch bệnh, khách hàng có tâm lý thắt chặt chi tiêu. Rằm tháng 7 vừa qua, hầu như vàng mã không bán được, hoạt động sản xuất cũng bị tạm ngưng. Do đó, nhiều hộ đã làm sẵn một số mặt hàng, đến cận Tết thì làm tiếp các công đoạn để hoàn thiện sản phẩm.
Theo ông Phạm Thắng - một người có thâm niên 10 năm trong nghề làm vàng mã, thời điểm này năm ngoái bạn hàng liên tục gọi hối thúc, nhưng năm nay khá yên ắng vì người mua sỉ không dám trữ, sức mua giảm mạnh dù giá vàng mã không biến động nhiều. Bên cạnh đó, giá chi phí nguyên liệu đầu vào tăng nên lãi cũng không được nhiều như trước đây.
“Mọi năm, thời điểm giáp Tết là lúc bận rộn nhất, có khi phải thuê cả chục lao động làm việc liên tục vì vừa phải chuẩn bị sản phẩm cho ngày Tết ông Công ông Táo, vừa phải tập trung làm hàng dự trữ phục vụ lễ khai xuân và nhu cầu cúng bái giải hạn. Tuy nhiên, hiện tại chỉ ghi nhận mức tiêu thụ bằng 40% so với mọi năm" - ông Phạm Thắng cho biết.
Làm nghề vàng mã lâu năm nhưng chưa năm nào ông Thắng thấy hàng hoá tiêu thụ kém như đợt này. Nếu như năm ngoái, vào thời điểm hiện tại, gia đình ông xuất cả nghìn cây vàng mã thỏi, năm nay chỉ 200 – 300 cây là nhiều. Còn các mặt hàng xa xỉ vàng mã cỡ lớn có dạng máy bay, du thuyền, ôtô mui trần hay các hình nộm dạng quan, tướng có giá tiền triệu hầu như chưa bán được.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Gái - một hộ sản xuất lớn tại Phúc Am tâm sự: “Vào dịp cận Tết những năm trước, xưởng nhà tôi chất đầy các sản phẩm vàng mã, tăng ca đến 1-2h sáng. Nhưng hiện nay cũng chỉ làm cầm chừng theo đơn mà khách đặt trước mà thôi".
Theo hộ sản xuất này chia sẻ, xu hướng người tiêu dùng Tết năm nay là mua các món đồ nhỏ có giá dao động từ 30.000 - 80.000 đồng, những món vàng mã to và đắt tiền như ngựa, xe, nhà… rất hiếm người đặt làm.
Loay hoay tìm đầu ra
Trao đổi với PV, ông Phùng Quyết Thắng – Trưởng thôn Phúc Am cho hay, cả làng hiện có khoảng 180 hộ dân sống dựa vào nghề làm hàng mã. Trong đó có khoảng 10 cơ sở sản xuất và buôn bán hàng mã, còn hơn 170 hộ dân chủ yếu đi làm thuê. Việc làm đồ mã được thực hiện chuyên môn hóa, mỗi gia đình chỉ làm từ 1 đến 2 món đồ chuyên biệt. Đây chính là nguồn thu nhập chủ lực của người dân.
Vị trưởng thôn này chia sẻ, mặc dù đã bước vào vụ cao điểm cho Tết Nguyên đán nhưng thay vì những chuyến hàng lớn chất đầy xe tải xuôi ngược như mọi năm, nhiều hộ gia đình hiện mới chỉ bán được 1/3 lượng hàng và không nhận được thêm bất cứ đơn đặt hàng nào mới.
Những thương lái tỉnh xa vốn thường xuyên đặt hàng thì nay do dịch COVID-19, việc vận chuyển và tiêu thụ khó khăn hơn nên cũng không còn đặt hàng nữa. Tình hình đó buộc nhiều hộ dân chỉ còn cách vận chuyển đơn hàng nhỏ, tiêu thụ lẻ tẻ trong ngày.
“Hộ nào có người trẻ thì có thể livestream, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội nhưng rất hiếm và với quy mô nhỏ lẻ. Cả năm trông chờ vào đợt hàng tháng 7 và Tết Nguyên đán nhưng dịch bệnh liên miên khiến các gia đình đều ế ẩm” - ông Phùng Quyết Thắng cho hay.
Theo ghi nhận của PV, những sản phẩm hàng mã dạng xương ngựa, loại to nhất có giá khoảng 50.000 đồng/ con, loại bé hơn giá khoảng 15.000 - 30.000 đồng. Trong khi đó, riêng những đồ cúng thuộc dòng “xa xỉ” như hàng mã dạng xe hơi, hay cây tài lộc đô la, du thuyền… có giá từ khoảng 180.000 - 350.000 đồng, tùy kích cỡ.
Xem thêm: odl.932989-nad-neyugn-tet-court-uih-uid-ion-ah-am-gnav-uhp-uht/et-hnik/nv.gnodoal