AUDIO bài viết
Cầu nối xuyên suốt giữa người dân và chính quyền
Khi việc tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế, Zalo đã được nhiều địa phương vận dụng để khai báo y tế, truy vết, gửi thông báo khẩn, cập nhật danh sách bệnh nhân COVID-19 tại địa phương, tiếp nhận phản ánh người dân thông qua tin nhắn, hotline... đến các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử tại TP.HCM, công tác triển khai lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, truy tìm F0 trên diện rộng được nhiều quận triển khai. Hay như tỉnh Bắc Giang cũng đã khởi tạo 3 kênh Zalo gồm Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang; Công nhân KCN tỉnh Bắc Giang và Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang để phục vụ công tác chống dịch.
“Các địa phương rất chủ động khi liên tục cập nhật diễn biến COVID-19 đến người dân. Công tác giám sát các trường hợp có yếu tố dịch tễ được thực hiện chặt chẽ giúp người dân cảm thấy an tâm hơn", chị Ngọc Ánh (quận 7, TP.HCM) cho biết.
Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh nhận định: “Tỉnh Bắc Giang có khoảng 1,2 triệu tài khoản người dùng Zalo, do đó việc lựa chọn kênh Zalo mang lại hiệu quả tích cực trong việc truyền tải các thông điệp, chủ trương, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19”.
Các khuyến cáo, hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 liên tục được gửi đi qua Zalo chính thức của các tỉnh, thành
Tính đến cuối tháng 12-2021, đã có hơn 14 tỉ thông báo khẩn đã được gửi đến người dân thông qua các tài khoản Zalo chính thức của Bộ Y tế và hàng chục tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, An Giang, Hà Giang, Gia Lai, Bình Thuận, Bắc Giang, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Bình Dương…
Song song, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng triển khai mô hình “Tổ an toàn COVID-19" trên Zalo. Hàng ngày hướng dẫn, nhắc nhở người lao động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc.
Ông Nguyễn Quang Diệu, Phó giám đốc Dịch vụ công & Chuyển đổi số Zalo, phụ trách chính dự án Hỗ trợ nhắn tin tiêm chủng chia sẻ: “Đội ngũ Zalo nhận tin tập hợp và chuẩn bị hạ tầng cần thiết trước thời điểm triển khai việc gửi tin chỉ 1 ngày. Trong đó, Zalo phụ trách hỗ trợ Sở Y tế TP.HCM xử lý dữ liệu thô thành dữ liệu chuẩn và gửi thông tin đến từng người dân thành phố".
Khác với tin nhắn SMS thông thường, việc tích hợp khai báo y tế trên Zalo giúp người dân có thể chủ động khai báo trước tại nhà. Qua đó, giải quyết vấn đề quá tải tại các điểm tiêm, đảm bảo giãn cách và hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
Qua Zalo, tin nhắn mời tiêm chủng được gửi đến điện thoại của từng người dân, hỗ trợ công tác tiêm chủng tại nhiều địa phương diễn ra an toàn, nhanh chóng, đạt mục tiêu phủ rộng vaccine từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.