Sáng 29/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo lãnh đạo Chính phủ, dịch bệnh và thiên tai diễn biến phức tạp, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đồng lòng của nhân dân, bước đầu thu ngân sách nhà nước cả năm vượt dự toán. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt mức kỷ lục khoảng 660 tỷ USD và xuất siêu. Trong thành tựu chung đó, có đóng góp rất quan trọng của ngành nông nghiệp.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Chính phủ đánh giá thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp còn phụ thuộc vào một số thị trường, chưa đa dạng; chưa xây dựng được các thương hiệu quốc gia mang tầm quốc tế...
Nhắc tới tình trạng ùn tắc nông sản tại một số cửa khẩu, Thủ tướng cho rằng giải pháp lâu dài, căn cơ là phải thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch với các sản phẩm đủ tiêu chuẩn.
Thời gian qua, để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần đề nghị hai bên tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa qua biên giới, nhất là các loại nông, thủy sản, hoa quả mùa vụ của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Thủ tướng cũng liên tục chỉ đạo các Bộ Công Thương, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn triển khai các giải pháp cải thiện hoạt động thương mại với phía Trung Quốc. Các tỉnh biên giới chủ động làm việc với các địa phương của Trung Quốc để có giải pháp phù hợp trong phòng chống dịch và xuất khẩu hàng hóa.
Ông nhấn mạnh, phải triển khai bài bản, đồng bộ các nhiệm vụ trong tất cả khâu, từ quy hoạch, dự báo thị trường, vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì, nhãn mác sau thu hoạch, giải pháp về thị trường, vốn cho người nông dân và doanh nghiệp...
"Đây là những vấn đề rất cơ bản, cần lộ trình để giải quyết với sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế. Không thể 'đường mòn lối mở' mãi. Phải làm đến cùng, làm hết mình vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chính đáng của chúng ta", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của ngành và các sản phẩm, khai thác hiệu quả tối đa 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Ông nói, ngành nông nghiệp phải đặt mục tiêu cao hơn cho năm 2022, cụ thể là tăng trưởng từ 3% trở lên, xuất khẩu cao hơn năm nay bởi "trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi". Những điểm nghẽn cần phải rà soát kỹ, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, ngành cần cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực cán bộ. Đồng thời, kinh tế biển phải được quan tâm phát triển, trong đó đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; gỡ "thẻ vàng", ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép, đồng thời xử lý tốt vấn đề môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
"Phải tính toán, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư để người nông dân được thụ hưởng thành quả từ chuyển đổi số trong nông nghiệp", ông nói và yêu cầu Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ ngành, địa phương làm tốt công tác thống kê để có số liệu đầu vào chính xác phục vụ hoạch định chính sách sát thực tế, giải quyết các vấn đề yếu kém.
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, nhất là tại vùng sâu, biên giới, hải đảo và những người yếu thế là mục tiêu mà lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ông yêu cầu tập trung hoàn thành xây dựng nông thôn mới, "làm ngày làm đêm, làm bằng được"; bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn, làm sao để người nông dân không cần "ly nông, ly hương" vẫn có thể nâng cao đời sống, thu nhập, phấn đấu làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản..., ngành nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng vượt bậc.
Giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85% đến 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%.
Thống kê sơ bộ, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020 (41,2 tỷ USD). Trong đó nông sản chính hơn 21 tỷ USD, tăng trên 13%; lâm sản chính gần 16 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản gần 9 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%.
Có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su). Sản lượng lúa đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD một tấn năm 2020 lên 503 USD mỗi tấn năm 2021...
Ngành Nông nghiệp Phát triển nông thôn cả nước phấn đấu năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8-2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD.