Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn FLC, HĐQT vừa thông qua chủ trương thoái vốn khỏi Công ty TNHH FLC Đồ Sơn Golf & Resort xuống dưới 20% vốn điều lệ của FLC Đồ Sơn.
HĐQT giao cho Tổng Giám đốc Tập đoàn quyết định phần vốn chuyển nhượng, thời điểm chuyển nhượng, tìm kiếm đối tác có nhu cầu mua phần vốn tại FLC Đồ Sơn, đàm phán, quyết định chuyển nhượng và các điều kiện, điều khoản Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp; ký kết và thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để hoàn thành việc thoái vốn.
FLC Đồ Sơn được thành lập ngày 13/3/2017 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, do Tập đoàn FLC sở hữu 100%. Bà Hương Trần Kiều Dung, hiện nay là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, là Chủ tịch của FLC Đồ Sơn.
Ngành nghề hoạt động chính của FLC Đồ Sơn là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Trụ sở công ty đặt tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng.
Thời gian gần đây, FLC đề xuất triển khai loạt dự án như Tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ và dân cư, quy mô 6,2 ha, tại khóm 5, phường 5, Tp.Cà Mau; và Khu đô thị mới, sinh thái nghỉ dưỡng và thể dục - thể thao, quy mô 879 ha tại phường 8 và xã Lý Văn Lâm, Tp. Cà Mau; dự án phức hợp đô thị nghỉ dưỡng tại vịnh Nha Phu, Khánh Hòa với quy mô gần 8.700 ha.
Ngày 22/12 vừa qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định về việc chuyển mục đích và giao đất cho Tập đoàn FLC để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái và thể thao Việt Trì, thành phố Việt Trì - giai đoạn 1 (phân khu D, E, F) tại xã Chu Hóa và phường Vân Phú có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 4.414 tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 10, Tập đoàn FLC thông qua phương án chào bán 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động gần 4.970 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của FLC sẽ tăng từ gần 7.100 tỷ đồng lên hơn 12.000 tỷ đồng, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành đạt trên 1,2 tỷ đơn vị.
Với tổng số tiền dự kiến thu được, FLC dự kiến sẽ chi khoảng 4.500 tỷ đồng nhằm đầu tư vào 8 dự án bất động sản.
Bao gồm: Khu đô thị tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long (800 tỷ đồng); Trung tâm hội nghị, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình (1.050 tỷ đồng); Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 (150 tỷ đồng); Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại TP. Pleiku, Gia Lai (240 tỷ đồng); Tổ hợp thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí và nhà phố tại TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum (510 tỷ đồng); Sân golf tại Gia Lai; Khu nhà ở mật độ cao Hiệp Thành – Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu (1.100 tỷ đồng).
Còn lại, khoảng 497 tỷ đồng, Công ty sẽ sử dụng để bổ sung vốn lưu động.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh thu FLC đạt 5.694 tỷ đồng giảm 43% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 69 tỷ đồng trong khi cùng kỳ FLC lỗ hơn 2.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên so với kế hoạch cả năm, FLC mới hoàn thành 37% chỉ tiêu doanh thu và khoảng 8% chỉ tiêu lợi nhuận. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh kém khả quan trong kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là lĩnh vực hàng không và khách sạn.
Trên thị trường, cổ phiếu FLC vừa trải qua chuỗi tăng kéo dài từ vùng giá 14.550 đồng/cp lên 19.000 đồng/cp vào phiên ngày 28/12. Đóng cửa phiên hôm nay, cổ phiếu FLC quay đầu giảm 3% về mức 18.600 đồng/cp.