Ngành nuôi biển của Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng còn nhiều hạn chế - Ảnh: TÙNG ĐINH
"Chúng ta cần kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi biển. Họ sẽ là những cánh chim đầu đàn để doanh nghiệp khác cũng như các địa phương bay theo" - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Phùng Đức Tiến chia sẻ như vậy với Tuổi Trẻ Online khi nói định hướng phát triển nuôi biển trong giai đoạn tới.
Đánh thức tiềm năng đang "ngủ quên"
Theo ông Tiến, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế về nuôi biển rất lớn nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế như hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghiệp còn chưa được đầu tư.
Đến năm 2021, Việt Nam có 70.000ha và 7,8 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 650.000 tấn. Như vậy, có thể thấy tiềm năng phát triển ngành nghề này rất rộng mở nhưng vẫn đang bị "ngủ quên".
Ông Tiến cho hay, để thể chế hóa chiến lược thủy sản, vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng phát triển nghề nuôi biển ở nước ta thành ngành nghề kinh tế mang lại giá trị cao.
"Đến năm 2030, một trong những nhiệm vụ mà Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành và địa phương sẽ tăng diện tích nuôi biển đạt 300.000ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2 tỉ USD" - ông Tiến nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi biển - Ảnh: TÙNG ĐINH
20.000 tỉ đồng đầu tư cho nuôi biển
Theo ông Tiến, hiện nay Bộ Tài nguyên và môi trường đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương triển khai việc giao mặt nước biển một cách thuận lợi hơn. Các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã khẳng định mặt nước biển được giao có giá trị như sổ đỏ trên đất liền. Bên cạnh đó, giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 19.540 tỉ đồng sẽ được đầu tư để tập trung phát triển nuôi biển.
"Đây là môi trường thuận lợi để ngành thủy sản khai thác trên 1 triệu km2 mặt nước biển" - ông Tiến nói.
Để có thể phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới, ông Tiến cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đồng bộ những cơ chế, chính sách về tín dụng, bảo hiểm, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, sơ chế chế biến.
"Chúng ta cần kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi biển. Họ sẽ là những cánh chim đầu đàn để doanh nghiệp khác cũng như các địa phương 'bay' theo. Từ đó, chúng ta sẽ có một hệ sinh thái nuôi biển cả vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ đảm bảo bền vững" - ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng khẳng định Bộ NN&PTNT sẽ cùng đồng hành với các doanh nghiệp để Việt Nam có được ngành nuôi biển với quy mô công nghiệp và công nghệ cao.
TTO - 'Cả nước có trên 110.000 tàu cá, hàng triệu lao động, ta khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên. Đã đến lúc chuyển từ khai thác sang phát triển nuôi biển, để giữ tài nguyên cho đời sau', Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Xem thêm: mth.29443328192211202-neib-ioun-oav-ut-uad-nol-peihgn-hnaod-cac-iog-uek/nv.ertiout