Chiều 29/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp tuyến kết nối từ điểm cầu trung tâm tại Hà Nội với 63 điểm cầu từ các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Điều hành chính sách tiền tệ chưa bền vững
Sau khi nghe báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và các ý kiến tham luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Theo Phó Thủ tướng, sáng nay (29/12), Tổng cục Thống kê đã công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2021 với nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Có thể nhắc đến như kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân năm 2021 giữ ở mức thấp (tăng 1,84%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 667 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020, xuất siêu 4 tỷ USD.
Do tác động của dịch bệnh, quý III tăng trưởng GDP âm 6,17%, với những biện pháp ứng phó linh hoạt, kịp thời, kinh tế quý IV tăng mạnh trở lại 5,22%, đưa GDP cả năm 2021 ước tăng 2,58%. Trong bối cảnh hết sức khó khăn, đây là kết quả rất đáng khích lệ, trân trọng, tạo cơ sở để kinh tế - xã hội năm 2022 phục hồi và phát triển trở lại.
Phó Thủ tướng đánh giá, trong những kết quả rất đáng trân trọng đó của đất nước, có đóng góp rất quan trọng của ngành ngân hàng. Bên cạnh những kết quả tích cực, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để tập trung khắc phục.
Cụ thể, mặc dù hệ thống ngân hàng đã có bước phát triển tích cực trong thời qua, tuy nhiên việc điều hành chính sách tiền tệ còn thiếu tính chiến lược dài hạn, có lúc còn chưa bền vững. Bên cạnh đó, quy mô, mức độ an toàn vốn, năng lực tài chính và sức cạnh tranh của các tổ chức tín dụng trong nước còn hạn chế so với các nước trong khu vực và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Việc kiểm soát, hướng luồng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn một số bất cập; trong đó còn hiện tượng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...
Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát có mặt còn yếu, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn tình trạng vi phạm quy định về huy động vốn và cho vay, gây nguy cơ nợ xấu gia tăng đối với các tổ chức tín dụng. Hành lang pháp lý cho chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ngân hàng còn chưa đầy đủ. Tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất an ninh, an toàn trong thanh toán, tín dụng, ngân hàng…
Phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên
Nói về trọng tâm phát triển trong năm 2022, Phó Thủ tướng nhấn mạnh NHNN và toàn ngành ngân hàng cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là các Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 năm 2022 của Chính phủ (sắp được ban hành theo thông lệ hằng năm) và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành ngân hàng là điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.
Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% mà Quốc hội đã thông qua.
Nhấn mạnh trong bối cảnh rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới gia tăng và trước những biến động của tình hình kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN phải chủ động tăng cường năng lực phân tích, dự báo, tham mưu kịp thời, ứng phó linh hoạt, đặc biệt là phải có đối sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.
Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng.
"Đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng, góp phần giảm nạn tín dụng đen và tội phạm về cho vay qua các ứng dụng công nghệ. Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... trong đó kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, giảm thiểu rủi ro hệ thống", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ ba, có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt.
Trong đó, chú trọng thực hiện đồng thời cả 2 nhiệm vụ là tạo điều kiện cho các ngân hàng có tiềm năng phát triển trở thành các ngân hàng ngang tầm khu vực và có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng đang bị giám sát tăng cường và kiểm soát đặc biệt.
Thứ tư, ngành ngân hàng phải tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, qua đó tạo sự lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số....