Hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Pháp Oliver Veran ngày 29-12 cho biết quốc gia này đang trải qua một "cơn sóng thần" COVID-19 khi đã ghi nhận 208.000 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ.
Đây là kỷ lục mới về số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày tại Pháp.
'Cơn sóng thần' COVID-19 tại Pháp: Cứ mỗi giây có 2 người dương tính. Ảnh: REUTERS
'Cứ mỗi giây có 2 người dân Pháp dương tính'
Theo dữ liệu trên Covidtracker.fr, kỷ lục trước đó được ghi nhận hôm 28-12 với gần 180.000 ca nhiễm. Đây cũng là quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất mà châu Âu từng chứng kiến kể từ khi đại dịch bùng phát.
“Điều này có nghĩa là 24 giờ một ngày, cả ngày và đêm, cứ mỗi giây ở đất nước chúng tôi, có hai người Pháp được xét nghiệm dương tính” - ông Veran cho biết.
“Chúng tôi chưa bao giờ trải qua tình huống như vậy" - ông Veran bày tỏ, đồng thời mô tả sự gia tăng số ca nhiễm là "chóng mặt".
Ông cũng cảnh báo tình hình tại các bệnh viện là đáng lo ngại vì biến chủng Delta, trong khi biến chủng Omicron tiếp tục lan rộng.
Theo dữ liệu của Reuters, ở quy mô toàn cầu, đại dịch COVID-19 cũng đã lập đỉnh mới trong tuần qua. Trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng, nhiều người lao động đã phải ở nhà, trong khi các cơ sở xét nghiệm và bệnh viện đang trên bờ vực quá tải.
Trong một diễn biến khác, Anh hôm 29-12 đã ghi nhận kỷ lục mới với 183.037 ca nhiễm COVID-19, nhiều hơn 53.000 ca so với kỷ lục một ngày trước đó.
Theo các quan chức y tế Anh, bất chấp số ca mắc ngày càng tăng, Thủ tướng Boris Johnson cho biết ông sẽ không đưa ra các biện pháp hạn chế mới để hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron trong năm nay. Omicron hiện chiếm 90% tổng số ca nhiễm trong cộng đồng tại Anh.
Ông Johnson cho biết số lượng lớn người đã được tiêm vaccine mũi tăng cường - hiện lên đến hơn 33 triệu người, tương đương khoảng 58% dân số Anh trên 12 tuổi – đồng nghĩa rằng không cần phải có các quy định mới trước dịp lễ Năm mới.
“Hãy tận hưởng năm mới một cách hợp lý và thận trọng. Chúng ta chắc chắn sẽ thấy số ca nhiễm tăng lên, chúng ta có rất nhiều ca mắc Omicron, nhưng mặt khác, chúng ta có thể thấy dữ liệu về mức độ nhẹ tương đối của Omicron" – ông Johnson nói thêm.
CDC Mỹ: Số ca nhập viện, tử vong vì Omicron hiện vẫn tương đối thấp
Về tình hình COVID-19 tại Mỹ, Reuters dẫn lời bà Rochelle Walensky - giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ - hôm 29-12 cho biết số ca tử vong và nhập viện do COVID-19 là "tương đối thấp" trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan.
Bà Rochelle Walensky - giám đốc CDC Mỹ. Ảnh: REUTERS
"Trong một vài tuần ngắn ngủi, Omicron đã tăng nhanh trên toàn quốc và chúng tôi dự đoán sẽ tiếp tục lây lan trong những tuần tới. Tuy số ca bệnh đang tăng đáng kể so với tuần trước, song số ca nhập viện và tử vong hiện vẫn tương đối thấp" – bà Walensky cho hay.
Theo vị giám đốc CDC, số ca nhiễm COVID-19 trung bình hàng ngày trong bảy ngày qua tại Mỹ tăng 60% so với tuần trước lên khoảng 240.400 ca mỗi ngày.
Tỉ lệ nhập viện trung bình hàng ngày trong cùng khoản thời gian tăng 14%, lên khoảng 9.000 người mỗi ngày. Trong khi đó, số ca tử vong giảm khoảng 7% ở mức 1.100 người mỗi ngày, bà Walensky cho hay.
Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ - TS Anthony Fauci, dữ liệu ban đầu của Mỹ cho thấy tỉ lệ nhập viện vì biến thể Omicron sẽ có thấp hơn so với biến thể Delta.
“Tất cả dữ liệu đều chỉ ra mức độ nghiêm trọng của Omicron thấp hơn so với Delta. Liều tăng cường đóng vai trò quan trọng trong việc đưa phương pháp tiếp cận đối với biến thể Omicron của chúng tôi trở nên tối ưu" – ông Fauci cho hay.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 29-12 cảnh báo các biến chủng Delta và Omicron đang gây ra “cơn sóng thần” COVID-19, theo Reuters.
“Biến chủng Delta và Omicron đang là hai mối đe dọa dẫn đến số ca bệnh tăng cao kỷ lục, qua đó khiến số trường hợp phải nhập viện và tử vong gia tăng” - ông Tedros nói.
“Tôi rất quan ngại rằng chủng Omicron, vốn có khả năng truyền nhiễm và lây lan cao hơn chủng Delta, sẽ gây ra một ‘cơn sóng thần’ về số ca nhiễm bệnh” - ông Tedros nói thêm.
Ngoài ra, ông Tedros một lần nữa kêu gọi các quốc gia chia sẻ vaccine một cách công bằng hơn, cũng như cảnh báo việc chú trọng vào mũi tiêm bổ sung ở các nước giàu có thể khiến các nước nghèo thiếu hụt vaccine.