Ngày 29-12, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch cho năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự hội nghị.
Những vấn đề cần phải giải quyết ngay
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng GDP toàn ngành tăng khoảng 2,85%. Đặc biệt, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức kỷ lục hơn 48,6 tỉ USD, vượt 6,6 tỉ USD so với chỉ tiêu được giao. Có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỉ USD, trong đó sáu mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỉ USD. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp đang từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy hỗ trợ, kiến tạo.
Tuy nhiên, tư lệnh ngành nông nghiệp thừa nhận ngay thời điểm hội nghị đang diễn ra, nông sản vẫn ùn ứ ở các cửa khẩu. “Thực trạng này cho thấy chúng ta không được tự bằng lòng với thành tích xuất khẩu. Do đó, còn rất nhiều việc phải làm, làm đúng và làm ngay để xuất khẩu nông sản ngày thêm bền vững” - Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nếu cứ phụ thuộc vào một vài thị trường thì khi có khủng hoảng sẽ bị đứt gãy. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá ngoài những điểm sáng còn một số vấn đề cần phải giải quyết ngay lúc này. Đó là tình trạng ùn tắc hàng ngàn container nông sản trên các cửa khẩu biên giới sang Trung Quốc (TQ) và lượng nông sản rất lớn đang vào vụ thu hoạch ở các địa phương.
Để giải bài toán, ông Diên cho biết vừa qua Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã giao thiệp rất tích cực với phía TQ. Nhưng phía bạn đang tập trung theo đuổi chính sách “zero COVID” và chuẩn bị cho Olympic mùa đông vào tháng 2-2022 nên “rất khó”. Giải pháp lúc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng thông qua Bộ Ngoại giao có công thư hoặc điện đàm với thủ tướng TQ đề nghị chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.
“Qua trao đổi với các bộ đối tác, chúng tôi biết rằng mọi chỉ đạo phải từ các lãnh đạo cấp cao. Nếu thủ tướng hoặc lãnh đạo cấp cao TQ mà không có ý kiến thì việc này giải quyết rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng động thái này cũng cần thiết, biết rằng có thể nó không mang lại kết quả như chúng ta mong muốn nhưng ít nhất họ cũng giúp chúng ta tiêu thụ hết số lượng container đang ùn ứ tại cửa khẩu. Số nông sản còn lại tại các địa phương thì tập trung tiêu thụ ở thị trường trong nước” - ông Diên nói.
Đàm phán với phía Trung Quốc để xử lý hàng ùn tắc
Liên quan đến vấn đề ùn tắc xe chở hàng tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây không phải là vấn đề mới xảy ra mà là “câu chuyện muôn thuở, năm nào cũng có”.
Thủ tướng cho biết mới đây, sau hội nghị ASEAN, ông đã có thư gửi Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường về việc ủng hộ hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhiều lần chỉ đạo Bộ Ngoại giao về việc cần phải cải thiện mối quan hệ thương mại với TQ.
Theo Thủ tướng, chính sách chống COVID-19 của Việt Nam và TQ có những điểm giống nhau, cũng có những điểm khác nhau. Với những điểm khác nhau thì cần tính toán sao cho hợp lý. “Tôi đã giao cho Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ. Tôi cũng liên tục chỉ đạo đàm phán với phía TQ để xử lý. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải có sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch thì chẳng ai cấm được, còn cứ đi tiểu ngạch thì rất khó” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, khi ta tự cung, tự cấp thì khác nhưng khi xuất khẩu thì phải đầu tư khác. Chúng ta cần phải xây dựng các sản phẩm để xuất khẩu chính ngạch, như vậy mới có giá trị cao. Muốn xuất khẩu được chính ngạch thì phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Để làm được phải quy hoạch vùng nguyên liệu, sản phẩm và có sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, hỗ trợ về thị trường… Như thế mới xây dựng được sản phẩm mang tầm quốc gia, quốc tế.
Thủ tướng chia sẻ: “Vừa rồi mở container ra thấy quả mít gói bằng mấy cái giấy, đó không phải là thương mại hiện đại. Thương mại hiện đại phải có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm…, mà chúng ta chưa làm được nên cứ đi tiểu ngạch. Đi tiểu ngạch thì có lúc thế này, thế kia nên chúng ta phải chia sẻ với nhau để tìm cách khắc phục. Chúng ta cũng bàn với bạn để khắc phục”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh câu chuyện cần phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Nhưng muốn đa dạng hóa thị trường thì sản phẩm phải đa dạng, chất lượng cao, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm.
“Đơn cử như nhắc đến hoa lan là người ta nhớ đến Thái Lan, nhắc tới hoa tulip người ta nhớ tới Hà Lan, nhắc tới cà phê người ta nhớ tới Brazil” - người đứng đầu Chính phủ dẫn chứng.
Đừng phụ thuộc vào một vài thị trường Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những thành tích mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2021. Thủ tướng nhận định: “Trong một năm khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ và có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế mà ngành cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đó là ngành nông nghiệp chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, vẫn còn thụ động, phụ thuộc vào thị trường, thời tiết và nhiều yếu tố khác. Công tác dự báo thị trường, biến đổi khí hậu… còn hạn chế, chưa chủ động. “Xuất khẩu gạo được 3 tỉ USD thì nhập ngô, đậu tương đến 7 tỉ USD. Chúng ta phải giải bài toán này” - Thủ tướng dẫn chứng. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành nông nghiệp phải đặt mục tiêu cao hơn, quyết tâm xuất khẩu năm 2022 trên 50 tỉ USD. Vì trụ đỡ mà thụt lùi thì đất nước thụt lùi. Để làm được điều này, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu. Bởi nếu cứ phụ thuộc vào một vài thị trường thì khi có khủng hoảng sẽ bị đứt gãy. “Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tăng cường đàm phán, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới và mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch, hạn chế đến mức thấp nhất xuất khẩu tiểu ngạch. Đồng thời coi trọng thị trường nội địa, xây dựng thương hiệu nông sản Việt” - Thủ tướng nhấn mạnh. |