Vào thời điểm hầu hết các loại vắc xin COVID-19 có vẻ đều cần mũi tăng cường do suy giảm lượng kháng thể ở người tiêm, việc tạo ra loại vắc xin có hiệu quả suốt đời sẽ giúp thế giới tiết kiệm một khoản tiền lớn và mở ra cơ hội khống chế căn bệnh đã khiến hơn 5 triệu người thiệt mạng và hơn 270 triệu người mắc bệnh trên khắp thế giới.
Không lâu sau khi đại dịch bắt đầu, ông Michinori Kohara, công tác tại Viện Khoa học Y tế Tokyo, đã nghĩ đến chuyện điều chế loại vắc xin dựa vào vắc xin đậu mùa. Virus tái tổ hợp được dùng trong vắc xin đậu mùa là chủ đề mà ông đã nghiên cứu trong 3 thập kỷ, và ông biết loại vắc xin này có thể tạo ra sự bảo vệ mạnh mẽ suốt đời.
Vắc xin đậu mùa được bác sĩ người Anh Edward Jenner điều chế vào năm 1796 để chống lại căn bệnh thảm khốc, gây tỷ lệ tử vong cực kỳ cao. Vắc xin này vẫn là loại duy nhất giúp xoá sổ căn bệnh nguy hiểm, với ca bệnh được biết đến gần đây nhất là một bệnh nhân ở Somalia năm 1977.
Vì thế, từ tháng 4/2020, ông Kohara hợp tác với Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, bắt đầu phát triển virus tái tổ hợp chứa protein gai của SARS-CoV-2, tức virus gây COVID-19.
Họ đã chọn chủng không gây bệnh của virus tái tổ hợp mang tên DIs, hoạt động như một véc-tơ virus an toàn và cực kỳ hiệu quả để mang gien đột biến của SARS-CoV-2.
Dù các loại vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer và Moderna hiệu quả trong ngăn chặn tình trạng nặng và tử vong do COVID-19, nhưng lượng kháng thể trung hoà giảm đáng kể sau 6 tháng, vì thế đòi hỏi mũi tiêm tăng cường, nhất là khi biến chủng mới Omicron xuất hiện.
Ngược lại, ông Kohara nói rằng loại vắc xin do ông điều chế có thể tạo ra lượng kháng thể trung hoà mạnh trong 1 tuần sau khi tiêm và tạo ra khả năng miễn dịch tế bào mạnh nhất so với bất kỳ loại vắc xin nào. Điều đó rất có ý nghĩa khi các loại vắc xin COVID-19 hiện nay có vẻ không tạo ra sự bảo vệ lâu dài.
Thử nghiệm trên chuột bằng virus tái tổ hợp mã hoá gien HA của chủng cúm có độc lực cao cho thấy lượng kháng thể được duy trì sau hơn 20 tháng, gần tương đương tuổi thọ trung bình của chuột. Tất cả những con chuột được tiêm vắc xin này đều sống sót, còn những con không được tiêm trong thí nghiệm đối chứng đã chết.
Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike bày tỏ kỳ vọng lớn vào vắc xin này.
“Tôi đã nghiên cứu nhiều công nghệ vắc xin như adenovirus và mRNA, nhưng vắc xin dùng véc-tơ virus vẫn mạnh nhất và ít gây tác dụng phụ”, ông Kohara nói với báo Japan Times.
Hãng dược Nhật Nobelpharma dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vắc xin do ông Kohara điều chế trong nửa đầu năm 2023 trên 150-200 tình nguyện viên, bao gồm cả những người đã mắc COVID-19 hoặc đã tiêm đủ vắc xin. Nếu hiệu quả được kiểm chứng, giai đoạn thử nghiệm cuối cùng sẽ được triển khai ngay sau đó, với mục tiêu sản xuất thương mại sớm nhất vào năm 2024.
Theo Japan Times
Bình Giang
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.49831350103211202-iod-tous-gnud-cat-oc-91-divoc-nix-cav-iaol-meihgn-uht-pas-nab-tahn/nv.zibefac