Vụ bé 8 tuổi ở quận Bình Thạnh, TP.HCM bị mẹ kế bạo hành, tử vong đã khiến dự luận phẫn nộ những ngày qua. Từ vụ việc đau lòng này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi nếu trẻ em hoặc hàng xóm phát hiện có trẻ bị bạo hành thì nên báo ở đâu và quy trình xử lý tin báo như thế nào?
Đường dây nóng bảo vệ trẻ em
Trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục...thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thông báo ngay cho nơi tiếp nhận thông tin.
Hiện nay, ngoài đường dây nóng 111 tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH quản lý) thì người dân tại TP.HCM có thể gọi đến các số đường dây nóng bảo vệ trẻ em như sau:
Số 1900.54.55.59 - Đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em TP.HCM (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM).
Số 1800.90.69 - Đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.
Số 113 - Đường dây nóng cơ quan công an.
Mọi người cầu nguyện cho cháu bé 8 tuổi (nạn nhân) vào đêm 27-12. Ảnh: NGUYỄN YÊN
Quy trình xử lý tin báo trẻ bị bạo hành
Về quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, tin báo hành vi xâm hại trẻ em được quy định tại Nghị định 56/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Tại điều 22, Nghị định 56 có quy định cụ thể về nhiệm vụ của tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111). Theo đó, tổng đài viên sẽ tiếp nhận thông tin và xử lý.
Nhằm hướng dẫn chi tiết về quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại trên địa bàn TP.HCM, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 2017/2020.
Cụ thể, Quyết định 2017/2020 nêu rõ quy trình tiếp nhận, phối hợp xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục gồm 3 bước:
Bước 1: Tiếp nhận thông tin
Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo ngay (trực tiếp hoặc qua điện thoại hoặc hình thức khác) nơi tiếp nhận thông tin khi phát hiện hoặc có thông tin trẻ em bị xâm hại. Nơi tiếp nhận thông tin là một trong những cơ quan sau:
- UBND nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi trẻ em cư trú;
- Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc;
- Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em: 111; 113; 1900.54.55.59; 1800.90.69;
- Cơ quan LĐ-TB&XH các cấp.
Tùy theo mức độ tổn hại của trẻ em các cơ quan tiếp nhận sẽ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em trong trường hợp đặc biệt.
Người tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 56).
Bước 2: Phối hợp xử lý thông tin
Nơi đã tiếp nhận thông tin chuyển ngay thông tin đến UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc để thực hiện các bước tiếp theo của Quy trình phối hợp.
Đối với trường hợp cơ quan Công an các cấp tiếp nhận nguồn tin về đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại thì kể từ khi bắt đầu giải quyết vụ việc phải thông tin ngay đến UBND cấp xã để kịp thời cử cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em. Đồng thời, trong quá trình xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án thì khi làm việc với trẻ em, Cơ quan điều tra phải đảm bảo có sự tham gia của người giám hộ của trẻ...
Bước 3: Báo cáo kết quả xử lý thông tin
Trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận thông tin vụ việc, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã phải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tính xác thực của thông tin cho Chủ tịch UBND và Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em. Đồng thời báo cáo nhanh về Thường trực Ban Điều hành Bảo vệ chăm sóc trẻ em quận, huyện (Phòng LĐ-TB&XH ) để phối hợp và triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp theo quy định.
Bảo mật thông tin người báo tin, phản ánh Có một số bạn đọc phản ánh đến PLO thắc mắc rằng việc phản ánh, cung cấp thông tin trẻ bị bạo hành có được bảo mật không? Tại điều 24, Nghị định 56/2017 (quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em) về nguyên tắc bảo mật thông tin có quy định: Mọi thông tin, thông báo, tố giác trong quá trình tiếp nhận, xác minh phải được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em có liên quan. Quá trình cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ cho việc bảo vệ trẻ em giữa nơi tiếp nhận thông tin và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em phải được bảo mật. Thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em phải xác định mức độ bảo mật và phạm vi cung cấp thông tin, báo cáo. |