CEO toàn cầu của VinFast vừa thay đổi chỉ sau vài tháng được bổ nhiệm - Ảnh: VinFast
Hyundai
Với "lý do cá nhân", chủ tịch/đồng CEO Hyundai Motor Yang Seung Suk đã rời ghế lãnh đạo vào năm 2011, chỉ sau gần 3 năm cầm quyền. Không rõ lý do vì sao ông ra đi, nhưng dưới thời kỳ của ông, Hyundai đã trở thành một trong những thế lực lớn nhất ngành, tăng doanh số và giành thị phần ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông Lee Kyung Soo chỉ dẫn dắt Hyundai Mỹ hơn 1 năm rồi trở về nước - Ảnh: Hyundai
Ngoài ra còn có Dave Zuchowski chỉ giữ chức CEO Hyundai Mỹ 3 năm rồi tự nguyện xin nghỉ vào cuối năm 2016 do kết quả kinh doanh không như ý. Người lên thay ông sau đó là Lee Kyung Soo cũng chỉ cầm quân hơn một năm rồi trở về quê nhà Hàn Quốc vào năm 2018.
Ford
Chỉ trong 6 năm, Ford đã trải qua 4 đời CEO. Năm 2020, Jim Hackett đột ngột tuyên bố nghỉ hưu sau 3 năm cầm quân. Ba năm đó cũng là một trong những khoảng thời gian sóng gió nhất của hãng xe Mỹ. Hackett gạt bỏ gần hết các mẫu xe để tập trung vào bán tải và SUV dễ bán, đầu tư 11 tỉ USD vào xe điện, sa thải một lượng lớn công nhân.
Jim Farley (trái) và Jim Hackett - Ảnh: Automotive News
Có người cho rằng Hackett bị loại khỏi công ty khi kết quả kinh doanh trở nên mờ nhạt, nhưng cũng có người nói đơn giản là vị lãnh đạo 65 tuổi đã thấm mệt và cần nghỉ ngơi.
Trước Hackett, Mark Fields cũng chỉ chèo lái Ford 3 năm sau khi lên thay Alan Mulally vào năm 2014. Nhưng CEO giữ "kỷ lục" tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử Ford là Jacques Nasser với chỉ hai năm (1999-2001).
General Motors
Trong lịch sử hơn trăm năm, General Motors cũng trải qua nhiều đời CEO. Thường các CEO GM gắn bó với công ty trong nhiều năm, nhưng cũng có người chỉ làm một thời gian ngắn. Đó là Richard C. Gerstenberg và Robert C. Stempel, đều chỉ làm 2 năm.
Robert C. Stempel - Ảnh: GM
Daimler/Mercedes-Benz
Trong suốt lịch sử tồn tại, biến động CEO ở Mercedes-Benz không quá nhiều, nhưng cũng ghi nhận một trường hợp chỉ ngồi ghế CEO chưa đầy một năm là ông Heinrich Wagner.
Ông không từ chức, cũng không bị sa thải, mà là cái chết ập đến bất ngờ đã khiến ông trở thành CEO tại nhiệm ngắn nhất của Mercedes-Benz.
Heinrich Wagner - Ảnh: Daimler
BMW
So với những CEO ôtô khác trong danh sách này, Harald Krueger làm lãnh đạo cũng được 4 năm. Nhưng 4 năm với người đàn ông này bị xem là ngắn.
Trẻ trung và năng động, đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong công ty, dường như ông sẽ là một CEO BMW đích thực. Nhưng việc BMW thụt lùi trên thị trường xe sang, lại bước vào kỷ nguyên xe điện một cách "quá thận trọng", theo AP, đã dẫn đến sự từ chức đáng tiếc của ông.
Quá thận trọng, Harald Krueger đã ra đi sớm hơn kỳ vọng - Ảnh: Motor Biscuit
Thực tế, đã có dấu hiệu Krueger sớm muộn sẽ bỏ gánh giữa đường ngay từ đầu. Chỉ vài phút sau khi trình bày trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng, Krueger đã gục ngã. Ông nói rằng mình bị mệt và mất nước, nhưng việc từ chức khiến cho mọi người thực sự tin rằng ông đã gánh quá nhiều áp lực đến mức không chịu nổi nữa.
Volkswagen
Chỉ cầm quân chưa đầy 3 năm, Matthias Mueller có lẽ là một trong những CEO "tức tưởi" nhất làng xe: Được đưa lên sau khi người tiền nhiệm dính vào bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp, rồi bị hội đồng quản trị mời đi vào năm 2018, sau khi công ty đã đi vào ổn định.
Việc ra đi của ông Matthias Mueller tốn khá nhiều giấy mực - Ảnh: Car Magazine
Mặc dù thừa nhận công sức của Mueller đã chèo lái con thuyền VW vượt qua "thách thức lớn nhất trong lịch sử", nhưng lấy lý do hành động vẫn chậm, Matthias Mueller đã bị phế truất, lên thay ông là TS Herbert Diess, người được nhận định là phù hợp để đưa VW bước vào kỷ nguyên mới hơn.
Tata
Chỉ 18 tháng sau khi gia nhập, Carl-Peter Forster đã phải ra đi giữa bối cảnh thị trường Ấn Độ tăng trưởng chậm lại vào năm 2011. Một lần nữa, "lý do cá nhân" được đưa ra. Theo Reuters dẫn lời nhận định của người trong ngành, Forster đã quá thành công trong việc xoay chuyển tình thế Jaguar Land Rover (dưới trướng Tata) nhưng lại thất bại nặng nề với mẫu xe giá rẻ của Tata.
Carl-Peter Forster không thành công với những mẫu xe giá rẻ nên phải ra đi - Ảnh: The Times
VinFast
Có lẽ Michael Lohscheller là một trong những vị CEO ôtô từ chức nhanh nhất. Chỉ sau 5 tháng cầm quân, ông đã rời khỏi VinFast với nguyên nhân quen thuộc: "lý do cá nhân".
Michael Lohscheller tại triển lãm Los Angeles 2021 - Ảnh: VinFast
Dấu ấn lớn nhất của ông khi còn làm tổng giám đốc VinFast toàn cầu là đưa hai mẫu VinFast VF e35, VF e36 đến triển lãm ôtô Los Angeles 2021, xây dựng showroom ở Paris và mở văn phòng ở Los Angeles.
Nhưng về cơ bản thì 5 tháng là quá ngắn để ông có thể hoàn thành trọng trách đưa VinFast trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu như kỳ vọng ban đầu.
Nissan
Thông thường, CEO ôtô châu Á có thời gian gắn bó với công ty khá cao. Nhưng Nissan là ngoại lệ.
Trong lịch sử, những lãnh đạo Nissan có thời gian tại nhiệm ngắn nhất có thể kể ra Genshichi Asahara (2 năm), Haruto Kudo (1 năm), Takeshi Murayama (chưa được 1 năm), Souji Yamamoto (2 năm). Tất cả đều là những người kế nhiệm nhau cho thấy một giai đoạn đầy biến động.
Hai cựu CEO Nissan Hiroto Saikawa và Yasuhiro Yamauchi - Ảnh: Autocarpro
Gần đây hơn cả, những người lên sau vụ bê bối Carlos Ghosn cũng không có thời gian cầm quyền "dài hơi": Hiroto Saikawa (2 năm), Yasuhiro Yamauchi (chưa được 1 năm). Đáng chú ý, ông Yasuhiro Yamauchi chỉ cầm quyền chưa tới 3 tháng, ngắn hơn cả Lohscheller. Tuy nhiên, ông Yamauchi chỉ là CEO tạm quyền.
Tập đoàn Vingroup vừa công bố bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Thủy - phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup - làm tổng giám đốc VinFast toàn cầu.
Xem thêm: mth.31944449092211202-ioig-eht-ex-gnal-gnort-gnohc-hnahn-cuhc-ior-oto-oec-gnuhn/nv.ertiout