Các làng hoa ven Hà Nội đìu hiu
Vào thời điểm này mọi năm, các làng hoa ven Hà Nội đang sôi động bước vào vụ hoa Tết. Tuy nhiên, theo Tuổi Trẻ năm nay tại các làng hoa lớn như Phụng Công, Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên) lại vắng bóng thương lái.
Các loại hoa được cung cấp cho thị trường Tết như dạ yến thảo, lan chi, cúc các loại, trạng nguyên, hoa hồng... cho đến các loại cây cảnh như hoa trà, hoa giấy hàng năm được thương lái và khách thường mua lượng lớn để trang trí các công trình phục vụ Tết. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng hoa Tết được tiêu thụ ít hơn hẳn khiến nhiều nhà vườn không dám mở rộng sản xuất.
Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết, các nhà vườn đã phải chuẩn bị từ 6 tháng trước, từ ươm mầm, đánh cây, chăm bón để cây ra hoa đúng dịp Tết. Giá hoa hiện tại chênh lệch không nhiều so với những năm trước. Tùy vào loại hoa mà giá dao động từ 10.000-70.000 đồng/bầu.
Thị trường hoa Tết ở Nam bộ đối diện nhiều thách thức
Tương tự, theo Đài phát thanh và truyền hình Tiền Giang, Tết năm nay, theo dự kiến, các làng hoa ở Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang sẽ cung cấp cho thị trường sản lượng hoa giảm hơn năm ngoái khoảng 40-50%. Chủ yếu tập trung ở làng hoa Mỹ Phong, phường 9 và xã Tân Mỹ Chánh.
Do tình hình dịch bệnh kéo dài, người dân thận trọng hơn trong việc xuống giống các loại hoa, thêm vào đó, giá vật tư nông nghiệp, công lao động để đầu tư sản xuất đầu vào cao hơn năm trước nên sản lượng hoa năm nay ra thị trường sẽ ít hơn, song vẫn đa dạng về chủng loại hoa.
Thời điểm này, những người trồng hoa dịp tết đang vào cao điểm ngắt nụ hoa tết đợt 1. Theo nhận định của tổ hợp tác sản xuất hoa tươi Mỹ Phong, năm nay, sản lượng các loại hoa dài ngày có chiều hướng giảm do thời gian ươm và xuống giống rơi vào thời điểm giãn cách xã hội nên việc chăm sóc cũng như trồng hoa không thể thực hiện được.
Theo TTXVN, sản lượng hoa của các tỉnh Nam Trung Bộ cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần được dự báo sẽ giảm mạnh so với các năm trước do tác động của mưa bão và dịch Covid-19 kéo dài.
Nam Trung Bộ có nhiều làng trồng hoa nổi tiếng, sản phẩm vươn ra cả ngoài Bắc, trong Nam, nhất là vụ hoa Tết âm lịch. Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các nhà vườn trồng hoa ở Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) đã chuẩn bị nhiều loại hoa đẹp sẵn sàng cung ứng cho thị trường.
Tuy nhiên, vụ hoa Tết năm nay, Nam Trung Bộ phải trực tiếp hứng chịu nhiều đợt mưa, lũ, bão lớn làm ảnh hưởng đến việc trồng, chăm sóc. Ngoài tác động của thiên tai, dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều nông hộ thấp thỏm lo lắng về đầu ra cho vụ hoa cuối năm.
Do vậy, năm nay sản lượng hoa của các tỉnh Nam Trung Bộ cung ứng cho thị trường Tết được dự báo sẽ giảm mạnh so với các năm trước.
Theo ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, Bình Định, nghề trồng hoa mai ở thị xã An Nhơn hình thành cách đây gần 40 năm nay. Ban đầu chỉ từ một vài hộ trồng mai với diện tích vài nghìn m2, đến nay toàn thị xã đã có trên 1.500 hộ trồng với diện tích 150ha, số lượng trên dưới 2 triệu chậu, doanh thu bình quân hằng năm đạt 100 tỷ đồng.
Mai An Nhơn được trồng tập trung chủ yếu 3 xã Nhơn An, Nhơn Phong và Nhơn Hạnh. Tuy nhiên, 3 xã này lại thuộc vùng hạ lưu sông Kôn, mùa mưa lũ thường xuyên bị ngập. Những năm gần đây, người dân mở rộng diện tích trồng mai trên các chân ruộng thấp trũng nên khi lũ lụt tràn về đã không chuyển kịp lên vùng cao.
Trong đợt mưa lụt kéo dài trong tháng 11 vừa qua, toàn thị xã có trên 700.000 chậu hoa mai bị ngập trong nước lũ. Người dân phải huy động nhân lực để di chuyển các chậu hoa chăm sóc bán Tết năm nay lên vị trí cao. Còn lại nhiều diện tích mai không chuyển kịp, bị hư hại người dân phải tốn thêm nhiều công chăm sóc để bán cho các vụ sau.
Niên vụ hoa năm nay, dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều nhà vườn tại phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vô cùng lo lắng đầu ra, vì thế số lượng người trồng và sản lượng hoa đều giảm.
Cùng thời điểm này năm ngoái, thương lái đã bắt đầu đến hỏi mua hoặc đặt trước hoa cúc Tết, nhưng năm nay nhiều vùng trồng hoa Khánh Hòa đều đìu hiu, vắng bóng người hỏi mua, người ra giá bán.
Bên cạnh đó, người trồng hoa còn lo cả khâu vận chuyển hoa đi các tỉnh. Đa số nông dân đều e ngại hoa Tết sẽ khó khăn vận chuyển vào các tỉnh để bày bán trên phố như mọi năm do ảnh hưởng bởi dịch.
Ông Huỳnh Chiến Đạt - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa thông tin, thị trường hoa Tết lớn là Thành phố Hồ Chí Minh đến thời điểm này vẫn chưa dự báo được. Với tình hình hiện tại, phường cũng không khuyến khích người dân trồng nhiều, chỉ vừa đủ phục vụ trong tỉnh vì e ngại đầu ra khó khăn sẽ khiến người trồng thua lỗ.
Bà Hoàng Thị Thanh Mận, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Khánh Hòa cho biết năm nay, lượng hoa trồng phục vụ Tết Nhâm Dần giảm 50% so với mọi năm; trong khi giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng rất cao so năm trước.
Mặt khác, mưa kéo dài cũng ảnh hưởng đến việc chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Người trồng hoa cũng lo lắng vì thiếu thị trường tiêu thụ lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang bởi những nơi này bị ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19.
Xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa được mệnh danh là “thủ phủ” hoa Tết của tỉnh Quảng Ngãi. Thế nhưng, thay vì trồng đại trà như mọi năm thì năm nay, người trồng hoa buộc phải thu hẹp diện tích trồng vì lo ngại “bí” đầu ra.
Ông Lê Tuấn Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hiệp cho biết, năm nay chỉ còn khoảng 400 hộ trong xã trồng hoa với diện tích bình quân 1-2 sào/hộ. Loại hoa được người dân chọn trồng chủ yếu là hoa cúc, chiếm tới 80% chủng loại.
Tại các tỉnh Phú Yên, mưa lũ cuối tháng 11 vừa qua khiến cho nhiều diện tích hoa “mất trắng.” Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa, toàn xã có diện tích 20ha trồng hoa lay ơn nhưng có 15ha đã ngập lụt, hư hỏng hoàn toàn. Diện tích còn lại tỷ lệ sống không đáng kể, muốn có thu hoạch nông dân phải rất tốn công và chi phí chăm sóc.
Đào Vũ (Theo TTXVN, Tuổi Trẻ)