Tháng 12.2020, những chiến dịch tiêm chủng đầu tiên được triển khai ở các nước thu nhập cao. Thế nhưng, các làn sóng lây nhiễm tiếp tục được ghi nhận trên toàn thế giới, xuất phát từ các biến thể khác nhau của SARS-CoV-2.
Các biến thể đáng sợ
Tại Nam Phi, biến thể Beta là “hung thủ” của làn sóng thứ hai tại khu vực, với đỉnh dịch rơi vào tháng 1.2021. Kế đến, Beta lan khắp thế giới, nhưng lại không tạo nên làn sóng dịch đáng kể nào. Theo giới quan sát, có vẻ như Beta không đủ sức lấn át các biến thể “chiếm lĩnh” những nước này vào thời điểm đó.
Trong những tháng đầu năm 2021, biến thể Alpha gây nên những làn sóng lây nhiễm ở châu Âu, Bắc Mỹ và đa số phần còn lại của thế giới. Khu vực ngoại lệ là Nam Mỹ, vì nước này khi ấy phải chống chọi làn sóng do biến thể Gamma gây ra.
Những giàn thiêu dã chiến hỏa táng nạn nhân Covid-19 ở Ấn Độ trong tháng 5 Reuters |
Đến tháng 4, Ấn Độ đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ hai, lần này là biến thể Delta. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới trải qua mùa hè đen tối. Nếu Ấn Độ hầu như thoát được làn sóng thứ nhất trong năm 2020, Delta hoàn toàn xoay chuyển cuộc chơi. Cuối tháng 4, số liệu chính thức của Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận 200.000 nạn nhân của dịch bệnh. Sau khoảng 28 ngày, con số này tăng lên 300.000, và chỉ mất thêm 39 ngày để vượt ngưỡng 400.000 ca tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng con số thực tế phải cao hơn.
|
Sau 2 năm đại dịch Covid-19, vẫn còn 4 câu hỏi lớn chưa lời đáp |
Sau Ấn Độ, đến lượt Mỹ chật vật đối phó làn sóng dịch do biến thể Delta. Ít nhất hơn 450.000 người đã thiệt mạng vì Covid-19 trong năm 2021 nếu so với khoảng 350.000 nạn nhân trong năm 2020, dựa trên dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Thực tế chứng minh biến thể Delta gieo rắc sự chết chóc cho những người chưa tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, chính quyền các tiểu bang Mỹ cũng phải gánh chịu phần lớn trách nhiệm vì quyết định nới lỏng quy định đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, theo Hãng tin UPI dẫn lời bác sĩ Chris Beyrer của Đại học Johns Hopkins.
Làn sóng kép
Vắc xin được tiêm cho trẻ em ở Chile Reuters |
Trong lúc làn sóng do biến thể Delta lan nhanh khắp thế giới, lấn át mọi biến thể khác, điển hình biến thể Zeta từng “gây quan tâm” khi xuất hiện tại ít nhất 44 quốc gia, nhưng đến tháng 10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo không còn phát hiện dấu vết của biến thể này. Có lúc, Delta dường như đẩy tất cả những biến thể khác của SARS-CoV-2 đến ngưỡng tuyệt chủng. Thế nhưng, Omicron bất ngờ xuất hiện.
Đến nay, vẫn chưa rõ nguồn gốc của Omicron, nhưng Nam Phi đã báo cáo WHO vào cuối tháng 11. Omicron chỉ mất một tháng để lan đến ít nhất 89 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện thế giới chứng kiến 2 đợt dịch diễn ra song song. Trong lúc Omicron tiếp tục lây lan nhanh chóng, số trường hợp mắc biến thể Delta vẫn ghi nhận cao tại các nước. Cho đến thời điểm này, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu Omicron sẽ thay thế được Delta hay không. Bên cạnh đó, họ chưa loại trừ khả năng cả hai dòng biến thể tiếp tục hoành hành thế giới, tạo cơ hội cho những đột biến và biến thể mới lộ diện.
Thuốc viên paxlovid của Hãng Pfizer mang đến hy vọng mới trong điều trị bệnh Covid-19 AFP |
Tương lai của dịch trong năm 2022
SARS-CoV-2 chắc chắn sẽ tiếp tục lây lan trong năm sau. Tuy nhiên, WHO cho rằng giai đoạn “cấp tính” của dịch bệnh, thời điểm nhiều người phải nhập viện và thiệt mạng vì Covid-19, đã qua. WHO nhận định hiện quá muộn để thế giới có thể loại trừ hoàn toàn SARS-CoV-2.
Vì thế, ưu tiên hiện tại là tiêm phòng cho các nhóm dân số nguy cơ cao. Nếu thế giới có thể giải quyết bài toán vắc xin theo hướng cung cấp bình đẳng, đồng thời sẵn sàng đối phó các làn sóng tương lai, giới chức WHO tin rằng chúng ta có thể vượt qua giai đoạn bi thảm nhất của đại dịch. Và dịch Covid-19 sẽ chuyển sang giai đoạn đặc hữu, tương tự như cúm mùa hiện nay.
Nhân loại chính thức sống chung với Covid-19.
“Chúng ta đối mặt con đường đầy chông gai khi muốn giảm số ca mắc mới”, Tạp chí Newsweek dẫn lời tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO. Theo ông, mục tiêu tiêm chủng 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022 không quan trọng bằng việc tiêm cho đúng nhóm đối tượng đối mặt nguy cơ cao nhất nếu nhiễm Covid-19.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, kêu gọi các nước đẩy mạnh nỗ lực chia sẻ vắc xin. Đồng thời, ông chỉ trích việc một số quốc gia thu nhập cao gửi vắc xin gần hết hạn sử dụng cho những nước thu nhập thấp. Ông Tedros cảnh báo vi rút sẽ tiếp tục đe dọa toàn cầu, nếu các nước vẫn từ chối hợp tác để hướng đến phân phối vắc xin công bằng hơn trong năm 2022.
Kỳ vọng nhiều liệu pháp điều trị mới
Tiến sĩ Tony Moody, trợ lý giáo sư Đại học Duke (Mỹ), chỉ ra năm 2021 chứng minh mang đến những liệu pháp điều trị mới cho bệnh nhân Covid-19. Ngày 23.12, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn sử dụng khẩn cấp molnupiravir, thuốc uống trị Covid-19 của Hãng Merck.
Một ngày trước đó, FDA cũng thông qua paxlovid của Hãng Pfizer. Cả hai loại thuốc này đều chứng minh năng lực giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân Covid-19. Bên cạnh đó, một số liệu pháp điều trị cũng chứng minh hiệu quả đầy hứa hẹn. Trong số này có thể kể đến liệu pháp dùng huyết tương người khỏi bệnh Covid-19 để điều trị cho người đang mắc bệnh; liệu pháp kháng thể đơn dòng. Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid, đặc biệt là dexamethasone, cũng chứng minh hiệu quả đối với những người bệnh nặng. Tất cả giúp đem đến kỳ vọng tình hình bệnh dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát hiệu quả trong năm 2022.