Hàng nghìn container chở nông sản mắc kẹt ở cửa khẩu Lạng Sơn kéo theo hệ lụy khiến giá thu mua nông sản tại nhiều tỉnh ĐBSCL đang giảm chạm đáy mà vẫn không có người mua khiến nhiều nhà vườn ở miền Tây có chung suy nghĩ là mất Tết.
Giá chạm đáy vẫn không có ai mua
Anh Phan Văn Nghĩa (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) cho biết, anh trồng mít được 4 năm nay và hiện có khoảng 8 container mít Thái đang trong vụ thu hoạch thì gặp cảnh rớt giá trầm trọng, chỉ còn 4.000 đồng/kg.
Anh Nghĩa cho biết thêm, những lúc mít có giá lên đến 50.000 đồng/kg. Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch, dù giá xuống thấp nhưng vẫn ở mức 16.000 - 18.000 đồng/kg và giờ lại xuống thê thảm hơn.
“Bây giờ hàng hoá ùn ứ ở cửa khẩu khiến giá thu mua tại vườn chỉ còn 4.000 đồng/kg mà nhiều lúc thương lái còn không cắt. Với giá này thì năm nay lỗ chắc”, anh Nghĩa ngán ngầm lắc đầu.
Tương tự, gia đình ông Lê Văn Suốt (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) trồng 13ha nhãn Ido, trong đó có 7ha đang tới lúc thu hoạch, sản lượng hơn 100 tấn. Những vụ trước, giá nhãn bán tại vườn từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, nay giảm chỉ còn 7.000 - 9.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có ai mua chỉ biết mang đi bán nhỏ lẻ.
Còn tại Nông trường sông Hậu (huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) có 1.500ha xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan cùng 400ha nhãn Ido, nhãn tím.
Ông Ngô Sĩ Tiến - Trưởng phòng Kinh doanh, Nông trường Sông Hậu cho hay, bình thường mỗi ngày có 30 - 40 chuyến xe tải (6,5 - 8 tấn) vào lấy hàng; nhưng từ khi ùn ứ cửa khẩu, đã không còn xe nào vào nhận hàng nữa, thương lái cũng không đến.
Theo ông Tiến, bắt đầu từ cuối tháng 4 đến nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 lượng tiêu thụ giảm mạnh, giá đã rớt nhiều lần. Xoài cát Hoà Lộc giá tại vườn ở 25.000 - 30.000đ/kg nay còn chưa tới 10.000đ/kg nhưng thương lái cũng không mua. Tương tự, xoài Đài Loan giá từ 8.000 - 10.000đ/kg giảm còn 500 - 1.000đ/kg, giờ cũng không bán được.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), dự kiến, trong quý I/2022, sản lượng 15 loại trái cây chính ở các tỉnh thành phía Nam đạt 1,606 triệu tấn. Trong đó, thanh long khoảng 297.000 tấn, chuối 250.000 tấn, xoài 244.000 tấn, mít 159.000 tấn, bưởi 144.000 tấn và cam 132.000 tấn…
Theo anh Phan Văn Nghĩa, với tình trạng nông sản mà không xuất khẩu được, không có lối thoát thì nguy cơ mất ăn Tết là chuyện đương nhiên không thể tránh khỏi.
“Vườn mít đang trong giai đoạn thu hoạch, tôi mừng thầm với hy vọng một cái Tết đầy đủ khi vườn mít trúng mùa, trúng giá. Thế nhưng, những ngày gần đây, tình hình đảo lộn khiến tôi lo lắng và bất an nhiều ngày qua” - anh Nghĩa trầm tư.
Trông chờ thông quan, “giải cứu”
Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây ở miền Tây (xin giấu tên) nhận định, hiện nay nhiều loại trái cây của miền Tây đang bắt đầu vào vụ thu hoạch để phục vụ thị trường Tết cổ truyền ở Trung Quốc như thường lệ.
Với việc Trung Quốc hạn chế thông quan như hiện nay, từ đây đến Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp và nhà vườn dự kiến tiếp tục đối diện nhiều khó khăn.
Vị này cũng cho rằng, một số mặt hàng có sản lượng rất lớn như mít Thái, thanh long không thể tiêu thụ hết trong nước. Thị trường xuất khẩu chính là ở Trung Quốc, các thị trường khó tính khác thì đa phần sản phẩm chúng ta không đủ tiêu chuẩn để xuất sang.
Ông Đỗ Văn Lô - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) - cho biết, toàn huyện có khoảng 5.500ha trồng mít, thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện đang thu hoạch các loại mít. Tuy nhiên, những ngày qua, tình trạng ùn ứ nông sản tại một số cửa khẩu phía Bắc đã khiến giá mít giảm sâu, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, giá bán giảm mạnh, chỉ còn 3.000đ/kg.
Ông Lô cũng cho hay, vụ thu hoạch này rơi vào dịp Tết Nguyên đán, chính vì vậy, bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn, và đối mặt với nguy cơ đón Tết trong nỗi buồn ảm đạm. Trước giờ, mít tiêu thụ nội địa rất thấp, chủ yếu là xuất khẩu. Với tình hình này, huyện chỉ biết trông chờ vào việc các cửa khẩu được thông quan. Khi đó, mới hy vọng giá mít sẽ tăng lên, người nông dân bớt khổ.
Còn tại TP.Cần Thơ, ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ thông tin, trên địa bàn Cần Thơ chưa có doanh nghiệp nào có hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn.
Ông Sơn thông tin thêm, hiện tại trên địa bàn Cần Thơ vẫn có một lượng lớn diện tích trồng trái cây nông sản, nên thành phố đang tìm phương án an toàn để nối lại việc cung ứng các mặt hàng nông sản cho thị trường TPHCM cũng như tỉnh khác.
Bên cạnh đó, sở cũng đang kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, trước mắt là nhãn. Đồng thời, ông kêu gọi cộng đồng, hệ thống chính trị chung tay tiêu thụ giúp bà con nông dân.
Xem thêm: odl.721099-tet-tam-oc-yugn-yat-neim-nouv-ahn-yad-mahc-nas-gnon-aig/et-hnik/nv.gnodoal