Mohamed Hassan Abdi được xem như "cha đẻ" của cướp biển Somalia hiện đại - Ảnh: AFP
Chuẩn bị đi cướp
"Mỗi ngày có rất nhiều tàu nằm trong tầm ngắm và bị tấn công, nhưng chỉ một số ít là có lãi. Sẽ không ai đến giải cứu tàu của nước nghèo, vì vậy chúng tôi sẽ thả họ ngay lập tức. Nhưng nếu con tàu đến từ các nước phương Tây hoặc chở hàng hóa có giá trị như dầu thô hay vũ khí, nó giống như trúng số độc đắc vậy".
Những dòng trên là tiết lộ của một tên cướp biển Somalia, trong một quyển sách được xuất bản năm 2011. Trên thực tế, một số nhóm cướp biển mạnh có hẳn "mạng lưới tình báo" để xác định mọi thông số, chi tiết của con tàu và hàng hóa trên đó.
Một vụ cướp biển bắt đầu từ rất lâu trước khi hải tặc đặt chân lên boong tàu. Quá trình bắt đầu khi "nhà đầu tư" móc nối được "mạng lưới tình báo" và chi tiền để tuyển người, sắm sửa vũ khí và xuồng cao tốc. Các già làng ven biển giữ vai trò hậu cần trong phi vụ, cung cấp nơi neo tàu bị cướp, tuyển người theo đúng số lượng và tiêu chí của "nhà đầu tư".
Chi phí cho một phi vụ có 12 người tham gia thường rơi vào khoảng 30.000 USD hoặc nhỉnh hơn một chút. Tỉ lệ thành công là khoảng 25%, nên để tăng "độ may", các "nhà đầu tư" thường bỏ ra khoảng 120.000 USD để lập ít nhất 4 toán cướp, dự trù cả việc phải thay người.
Trong một vài cuộc phỏng vấn, những tên cướp biển hoàn lương giải thích mục tiêu "ngon" là tàu đến từ nước giàu và chở hàng hóa không vì mục đích nhân đạo, mạn tàu thấp và không có hoặc phòng thủ mỏng trước cướp biển. Một toán cướp thường gồm ít nhất 3 tàu, trong đó có 1 tàu mẹ giữ vai trò hậu cần, cung cấp thức ăn và nước uống, còn 2 tàu nhỏ hơn thường là xuồng cao tốc để truy đuổi tàu mục tiêu.
Sau khi đã lên boong, việc đầu tiên cướp biển làm là tắt mọi thiết bị liên lạc. "Nếu công ty hoặc chủ tàu không thể liên lạc được tàu khi đang trên vùng biển Somalia, họ sẽ hoảng. Vậy nên khi chúng tôi bật lại liên lạc của tàu, chủ tàu hoặc công ty đã ở thế sẵn sàng thương lượng" - một cướp biển giải thích. Con tàu sau đó được đưa đến một khu vực gần bờ đã được các già làng Somalia chuẩn bị từ trước.
Ước tính của Ngân hàng Thế giới cho thấy từ năm 2005 đến 2012 (thời điểm nạn cướp biển ở vùng Sừng châu Phi bắt đầu suy tàn), hải tặc Somalia đã thu về từ 339 đến 413 triệu USD tiền chuộc. Trong đó, 2011 là năm "bội thu" khi số tiền chuộc thu được hơn 150 triệu USD. Theo các nhà phân tích, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì còn nhiều vụ khác không được ghi nhận và một phần vì chủ tàu muốn tránh ồn ào, rắc rối.
Thưởng phạt phân minh
Số tiền chuộc trung bình cho một con tàu thường khoảng 5 triệu USD và không được chuyển qua ngân hàng. Chủ tàu phải chuẩn bị tiền mặt, xếp vào một kiện và thả từ trực thăng xuống boong tàu hoặc gắn phao rồi thả xuống biển. Khoảng 5% tiền chuộc chi cho "cơ quan quản lý bờ" - tức chính quyền địa phương Somalia, 60% thuộc về "nhà đầu tư" và 35% còn lại được chia cho cướp biển, các già làng.
Trung bình mỗi tên cướp cấp thấp nhận được từ 30.000 đến 75.000 USD, đủ để có thể bắt đầu cuộc sống mới tại nước khác chẳng hạn như châu Âu. Điều này lý giải vì sao các già làng và "nhà đầu tư" rất dễ kiếm được người. Đây là mức tiêu chuẩn, vì ngoài ra còn có một số mức thưởng khác lên đến 10.000 USD, ví dụ cho người đầu tiên lên được boong tàu (vì dễ bị bắn chết hoặc trọng thương nhất) hoặc mang theo thang sắt nhờ đó cả bọn lên được boong tàu thành công.
Cũng giống như cướp biển Caribe khi xưa, sau khi được chia tiền, những tên cướp cấp thấp thường đốt vào mại dâm, rượu, xe hơi đắt tiền và lá khat - một loại lá khi nhai tạo sự kích thích được buôn bán rộng rãi ở Somalia. Ở một số nhóm cướp, ngoài tỉ lệ tiền được chia, bọn đầu lĩnh còn mời gọi bằng lời hứa được cho ăn lá khat miễn phí trong suốt thời gian canh giữ tàu nếu cướp thành công.
Điều này là do phần lớn đều tính tiền khat, người nào ăn bao nhiêu và khi nào đều được ghi vào sổ sách. Đến khi tiền chuộc được trả, cũng là ngày "trả lương", số khat sẽ được quy ra tiền và trừ vào tiền được nhận. Lá khat là một phần không thể thiếu của cướp biển nói riêng và người Somalia nói chung vì nhai khat là một văn hóa địa phương.
Báo cáo điều tra của Ngân hàng Thế giới năm 2013 còn cho thấy một số nhóm cướp đặt ra các khoản tiền phạt nhằm đẩy bọn cướp cấp thấp vào thế phải đi cướp nữa để trả nợ. Các hình thức phạt được liệt kê trong báo cáo bao gồm ngược đãi thủy thủ đoàn tàu bị cướp mà không có lệnh (phạt 5.000 USD và sa thải), từ chối tuân lệnh (phạt 10.000 USD và sa thải) hoặc ngủ gật khi canh gác (phạt 5.000 USD).
Tiền chuộc tàu Sirius Star được xếp vào một kiện và buộc dù, thả xuống boong tàu. 5 tên cướp thiệt mạng khi xuồng chở chúng bị lật úp khi đang trên đường vào bờ kèm số tiền 300.000 USD vừa được chia - Ảnh: AFP
Cuộc sống trên bờ
Sau khi nhận đủ tiền chuộc, cướp biển sẽ thả tàu và đảm bảo không một nhóm cướp nào bắt lại để đòi tiền chuộc lần nữa cho đến khi con tàu rời khỏi vùng biển Somalia. Điều này nhờ vào thế lực của các mạng lưới cướp biển tại Somalia. Đã có lúc những mạng lưới cướp biển Somalia hoạt động như doanh nghiệp: nhận đầu tư từ khắp khu vực và thông qua các hoạt động rửa tiền để đưa tiền trở về túi người góp vốn.
Theo báo cáo điều tra của Ngân hàng Thế giới, có ít nhất 3 mạng lưới cướp biển chính tại Somalia, trong đó nổi trội hơn cả là Hobyo - Xarardheere (HHN) có căn cứ địa tại Hobyo và Xarardheere. Mạng lưới này hoạt động từ trước năm 2008, dưới sự lãnh đạo của Mohamed Hassan Abdi hay còn được gọi là "Afweyne" (nghĩa là "Miệng to" trong tiếng Somalia). Hắn đứng đằng sau hàng loạt vụ cướp tàu gây sốc, bao gồm cả vụ bắt siêu tàu chở dầu Sirius Star và tàu Faina chở hàng chục xe tăng của Ukraine.
Mohamed Garfanji, tên cướp biển đứng sau vụ cướp tàu chở xe tăng Faina năm 2008, đôi khi giữ vai trò như đầu lĩnh chỉ huy cướp biển, đôi khi lại như một "nhà đầu tư" và được xếp ngang hàng với Afweyne trong HHN.
Với những mạng lưới chuyên nghiệp như HHN, chờ đợi những tên cướp biển cấp thấp trên bờ là một mạng lưới tận thu số tiền vừa được chia chác. Mỗi hàng hóa và dịch vụ cướp biển sử dụng đều được ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen và có tính lãi, có khi lên đến 100%. Nếu vay 10 USD để gọi điện thoại, số tiền phải trả là 20 USD.
Bằng cách này, nhiều người không trực tiếp cầm súng cướp tàu vẫn kiếm được nhiều tiền nhờ bán đồ cho cướp biển. Tại Hobyo, người dân trên bờ cho biết họ sống khỏe nhờ vào các cuộc nhậu nhẹt của hải tặc sau khi đòi tiền chuộc, rượu và gái mại dâm.
Những thị trấn từng nhiều năm đói nghèo và hỗn loạn giờ trở nên nhộn nhịp với các nhà hàng, những chiếc Land Cruiser và quán net. Người dân cũng sử dụng tiền kiếm được để mua máy phát điện - điều từng là một sự xa xỉ không thể tưởng tượng được ở Somalia.
Chiến dịch chống cướp biển quốc tế và sự ổn định của Chính phủ Somalia khiến cướp biển vùng Sừng châu Phi ngày càng khó kiếm ăn hơn. Những tên đầu lĩnh sừng sỏ lần lượt sa lưới bằng những cách không ngờ tới.
Rửa tiền ra sao?
Những tên cướp có đầu óc sẽ tiết kiệm và tìm cách rửa tiền, tất nhiên mất phí vì được giới thiệu. Cách đơn giản nhất là ôm tiền chạy sang nước khác, do biên giới Somalia lỏng lẻo. Phần lớn "nhà đầu tư" cướp biển chọn đầu tư vào xăng dầu ở Kenya, bất động sản và kinh doanh lá khat. Việc kinh doanh khat là siêu lợi nhuận và được kiểm soát chặt chẽ bởi các băng nhóm tội phạm Somalia.
************
>> Kỳ tới: Sự suy tàn của cướp biển Somalia
Có lúc lợi nhuận từ khat lớn đến nỗi ông trùm Afweyne quyết định nghỉ cướp biển để chuyên tâm bán lá. Giá 1kg lá khat bán ở chợ khoảng 50 USD nhưng đến tay cướp biển có thể vọt lên 150 USD, theo điều tra của Ngân hàng Thế giới năm 2013.
TTO - Những tên hải tặc hiện đại đã cất lá cờ đen đầu lâu xương chéo và những chiến thuyền lớn vào ký ức. Súng AK và những xuồng cao tốc cỡ nhỏ trở thành các dấu hiệu đặc trưng của cướp biển thời đại mới.