Giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh trực tuyến trong thời kỳ học sinh TP.HCM không được đến trường - Ảnh: K.B
Văn bản trên ghi rõ: cho phép các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được tổ chức giảng dạy trực tiếp khi đảm bảo các yêu cầu sau:
Được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức hoặc các quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch và phương án phòng, chống dịch COVID-19 trước khi tổ chức dạy trực tiếp;
Người tham gia giảng dạy, làm việc và học tập đảm bảo phải tiêm ít nhất 1 liều vắc xin (đối với vắc xin yêu cầu tiêm 2 liều) sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, người thuộc diện phải tiêm vắc xin nhưng không thể tiêm do có chống chỉ định phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế về chống chỉ định.
UBND TP.HCM giao cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục tổ chức dạy trực tiếp đối với học sinh lớp 9, 12 và mở rộng tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 7, 8, 10, 11 và các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa từ ngày 4-1-2022.
Trong đó, ưu tiên các cơ sở giáo dục đáp ứng được các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực và có kế hoạch cho học sinh đi học trực tiếp đã được địa phương thẩm định đủ điều kiện hoạt động.
Chỉ đạo cơ sở giáo dục chuyển trạng thái tổ chức dạy trực tiếp theo cấp độ dịch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở giáo dục.
UBND TP cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đào tạo chủ động tổ chức lớp học trực tiếp đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chí an toàn trong Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM.
TTO - Theo công văn của Sở GD-ĐT TP.HCM gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chiều 23-12, sở yêu cầu các quận, huyện tự đề xuất phương án dạy học trực tiếp từ ngày 3-1; riêng học sinh lớp 9, 12 tiếp tục học trực tiếp sau 2 tuần thí điểm.