vĐồng tin tức tài chính 365

Thế khó của Truyền hình K+

2021-12-31 14:05

VTV sắp thoái bớt vốn góp tại Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) - đơn vị sở hữu truyền hình K+ với giá khởi điểm 188,7 tỷ đồng cho 15% cổ phần. Hiện tại, VSTV có vốn điều lệ 20,1 triệu USD. Trong đó VTV nắm 51%, tương đương 10,2 triệu USD. Canal+, một trong những đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình lớn nhất châu Âu, nắm 49% còn lại.

Thực tế, chủ trương thoái vốn nhà nước tại VSTV đã được Chính phủ thông qua từ năm 2019 và xem việc tái cơ cấu doanh nghiệp này là "cần thiết và cấp bách".

Thành lập năm 2009, VSTV là một trong những doanh nghiệp đến nay vẫn đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền qua vệ tinh, sở hữu bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Nhưng từ đó đến nay, doanh nghiệp này chưa năm nào báo lãi. Tính đến 30/9/2021, đơn vị sở hữu truyền hình K+ đã lỗ lũy kế gần 3.750 tỷ đồng.

Trong bản công bố thông tin chào bán cổ phần, VSTV đã cho biết nhiều nguyên nguyến khiến họ thua lỗ liên tục. Về nội tại, doanh nghiệp này cho biết luôn phải hoạt động trong tình trạng thiếu vốn (vốn góp ban đầu chưa được một nửa so với tổng nhu cầu). Vì vậy, VSTV hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay nên chi phí tài chính lớn. Đến hết quý III, nợ phải trả của VSTV tăng 5,64% so với đầu năm lên 4.288 tỷ đồng, trong đó toàn bộ là nợ ngắn hạn.

3 năm gần đây, doanh thu của truyền hình K+ lần lượt giảm trong bối cảnh những khó khăn trên thị trường diễn ra ngoài dự kiến của họ, cùng với sự xuất hiện của dịch Covid-19. VSTV giải thích buộc phải giảm phí thuê bao do sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp viễn thông vào thị trường truyền hình với các gói combo internet kèm truyền hình với giá rẻ.

Xu hướng phát triển truyền hình OTT cũng đã đẩy truyền hình số vệ tinh dần dần xuống dốc. Đến tháng 9, theo số liệu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), 39 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền, thì có đến 24 đơn vị cung cấp dịch truyền hình internet. Trong đó, nổi bật là các doanh nghiệp như FPT, Viettel, VieON... đang chi mạnh tay để sở hữu bản quyền giải đấu thể thao hay phát triển các nội dung phim, giải trí trên ứng dụng OTT nhằm hút khán giả.

Theo Sách Trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông 2021, hết năm ngoái, số lượng thuê bao truyền hình số vệ tinh chỉ còn 730.000, giảm hơn 2,4 lần so với mức đỉnh năm 2018. Ở chiều ngược lại, lượng thuê bao truyền hình trên internet tăng đều đặn từ khoảng 722.000 năm 2018 lên hơn 3,5 triệu thuê bao năm 2020. Tổng doanh thu thị trường truyền hình trả tiền năm vừa qua đạt 8.100 tỷ đồng.

Với VSTV, doanh thu năm 2020 tiếp tục giảm 9% so với năm 2019, xuống còn 1.055 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán thiết bị thu tín hiệu giảm gần 55%, doanh thu thuê bao giảm gần 18%, doanh thu quảng cáo cũng giảm 7,6%. Điểm sáng duy nhất là doanh thu cấp quyền nội dung tăng gấp hơn 2 lần, lên 132,8 tỷ đồng.

Sang đến năm 2021, VSTV cũng không thể tăng giá thuê bao như kế hoạch vì dịch tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến họ mất khoảng 250.000 thuê bao. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp cùng ngành như ông lớn Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) lần đầu báo lỗ kể từ khi lên sàn UPCoM từ năm 2019, với khoản lợi nhuận sau thuế quý III âm hơn 11,2 tỷ đồng.

Mặc dù lỗ nặng, VSTV vẫn phải tiếp tục tăng đầu tư nội dung với chi phí bản quyền ngày càng cao và đầu tư vào công nghệ để cạnh tranh với các đối thủ. Thực tế, K+ gần đây cũng dần buông việc mua bản quyền một số giải đấu lớn như UEFA Champions League hay một số giải quần vợt. Tuy nhiên, việc sở hữu bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh gần như là một yếu tố sống còn với họ, khi đa phần khách hàng đăng ký thuê bao K+ để được xem giải bóng đá này.

Giai đoạn 2010 – 2013, nhà đài này chi khoảng chục triệu USD để sở hữu bản quyền Ngoại hạng Anh. Đến giai đoạn 2013 – 2016, 2016 – 2019, con số này lần lượt tăng lên 33,5 triệu và 46 triệu USD. 3 mùa giải 2019 – 2022, truyền hình K+ cũng được cho là phải bỏ số tiền rất lớn để mua bản quyền giải đấu này. Bởi trước đó Facebook từng tuyên bố chi đến hàng trăm triệu USD để độc quyền phát sóng Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia. Dù vậy, hiện nay hiệu quả đầu tư của K+ cũng bị ảnh hưởng nặng bởi nạn phát lậu, vi phạm bản quyền ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Ngoài sự cạnh tranh từ thị trường trong nước, K+ cũng đang bị đe dọa bởi các dịch vụ cung cấp nội dung xuyên biên giới như Amazon, Facebook... Các ông lớn này có công nghệ, tài chính vượt trội, nhưng không phải chịu sự điều chỉnh của quy định cấp phép, kiểm duyệt nội dung.

Ứng dụng OTT và thiếu bị thu tín hiệu của K+. Ảnh: Anh Tú

Ứng dụng OTT và thiết bị thu tín hiệu của K+. Ảnh: Anh Tú

Hiện tại, VSTV vẫn kiên định với mục tiêu đầu tư, sản xuất nội dung hấp dẫn, độc quyền, cũng như hợp tác với các đơn vị truyền dẫn, tận dụng sự phát triển của công nghệ để giảm giá thành nền tảng kỹ thuật, cải thiện trải nghiệm khách hàng. Gần đây, VSTV cũng định vị lại các kênh K+ theo hướng chuyên biệt hóa hơn trước, gồm thể thao, phim, giải trí.

Nhà đài này cũng ra kênh K+ Kids từ đầu tháng 10 để bù đắp vào khoảng trống trong mảng thiếu nhi sau khi Disney rút khỏi thị trường Việt Nam. Theo Thomas Jayet - Phó tổng giám đốc K+, nhà đài này đã "F5" để phục vụ trọn vẹn nhu cầu giải trí truyền hình của tất cả thành viên trong gia đình Việt ở mọi lứa tuổi.

Để tăng trưởng nguồn thu, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực kỹ thuật số, với việc kiếm tiền từ nội dung K+ trên các nền tảng như Facebook, Youtube, đa dạng hóa kênh phân phối qua cả cửa hàng điện thoại di động, sàn thương mại điện tử, phát triển doanh thu chia sẻ, cấp lại bản quyền với các nội dung độc quyền... Đồng thời để giảm chi phí, VSTV cũng đặt kế hoạch giảm phí nền tảng OTT, phí phát triển thuê bao mới, phí quản lý thuê bao...

Phiên đấu giá 15% vốn của VTV góp tại VSTV sẽ diễn ra vào ngày ngày 13/1/2022. Nếu thương vụ này thành công, VSTV sẽ có thêm nhà đầu tư góp vốn, điều hành, tạo điều kiện cho quá trình tái cơ cấu.

Anh Tú

Xem thêm: lmth.2378044-k-hnih-neyurt-auc-ohk-eht/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thế khó của Truyền hình K+”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools