Chỉ số VN-Index khép lại năm 2021 với mốc 1.498,28 điểm, sát đỉnh lịch sử - Ảnh: BÔNG MAI
Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm dương lịch 2021, sắc xanh tăng trưởng lan tỏa ở phần lớn thời gian. Khép phiên 31-12, chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức tăng thêm hơn 12 điểm, cán mốc 1.498,28 điểm, tương đương tăng gần 395 điểm (+36%) trong vòng một năm qua, đồng thời nằm sát mốc kỷ lục lịch sử 1.500,81 điểm (25-11).
Với diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán, khép lại phiên giao dịch cuối năm, Việt Nam chính thức có 52 doanh nghiệp có vốn hóa tỉ USD đang được niêm yết, trong đó Vietcombank (VCB), Vinhomes (VHM) và Vingroup (VIC) lọt vào top 3 "câu lạc bộ" vốn hóa trên 10 tỉ USD.
5 số liệu ấn tượng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 - Thực hiện: BÔNG MAI
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 vừa diễn ra, ông Phạm Hồng Sơn - phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho biết, trải qua một năm đầy biến động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt những thành quả nhất định, tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và thanh khoản, khẳng định vị trí, vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Cụ thể, thị trường cổ phiếu đạt mức vốn hóa hơn 7,7 triệu tỉ đồng (tính đến ngày 28-12), tăng 46% so với cuối năm trước, tương đương 122,8% GDP năm 2020.
Bên cạnh đó, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu cũng tiếp tục bùng nổ và tăng mạnh nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường. Từ giá trị giao dịch bình quân đạt mức 19.000 tỉ đồng/phiên trong tháng đầu năm, thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng và liên tục qua các tháng và đến tháng 11 đạt mức 40.000 tỉ đồng/phiên.
Riêng phiên 19-11 ghi nhận kỷ lục hơn 56.100 tỉ đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.560 tỉ đồng/phiên, tăng 258% so với bình quân năm 2020.
Trong năm 2021, có hơn 16.330 triệu cổ phiếu đăng ký chào bán, tương đương với giá trị hơn 177.000 tỉ đồng.
Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong 11 tháng đầu năm đạt hơn 444.940 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 1,3% với giá trị đạt trên 301.010 tỉ đồng.
Năm 2021 cũng chứng kiến số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tăng mạnh. Chỉ riêng trong 11 tháng qua (số liệu mới nhất), đã có 1,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và hơn 4.100 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở mới, nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng hơn 47% so với cuối năm 2020.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết và đại chúng quy mô vốn hóa lớn được cải thiện đáng kể mặc dù đã chậm lại trong quý 3 dưới ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. Tính chung 3 quý đầu năm, tổng doanh thu thuần của các công ty tăng gần 16% và tổng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 33% so với cùng kỳ năm trước.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung, nỗ lực hơn nữa để tận dụng thời cơ thực hiện một số mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm sau trong năm 2022:
Thứ nhất, tổ chức đẩy mạnh thực hiện phổ biến Luật chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn luật được ban hành đến rộng rãi công chúng đầu tư, tăng cường công tác đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư.
Thứ hai, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 - 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển thị trường chứng khoán - thị trường vốn về dài hạn.
Thứ ba, chỉ đạo HoSE và các đơn vị thụ hưởng sớm hoàn thành đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ tại Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Thứ tư, tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, đảm bảo hoạt động ổn định của khu vực tài chính quốc gia.
Siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán.
TTO - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra cảnh báo về hiện tượng lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán bằng việc tung tin đồn thất thiệt trên các nền tảng Zalo, Facebook, Telegram...
Xem thêm: mth.79783032113211202-1202-man-gnort-ihc-meid-593-nag-gnat-naohk-gnuhc/nv.ertiout