Cùng với lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng là một trong hai lĩnh vực các nhà kinh tế lo ngại nhất đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Các doanh nghiệp và giới đầu tư cũng đặt cược vào chi tiêu tiêu dùng khi kỳ vọng sức mạnh chi tiêu của tầng lớp trung lưu nước này sẽ tăng lên trong những năm tới.
Trong cuộc họp báo diễn ra mới đây, các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh cảnh báo rằng tăng trưởng kinh nước này đang đối mặt với "bộ 3 áp lực" từ nhu cầu yếu, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng đang yếu đi.
Người Trung Quốc tại một khu trung tâm mua sắm. (Ảnh: Getty Images)
Ông Wang Jun, chuyên gia kinh tế trưởng tại Zhongyuan Bank, cho biết: "Vấn đề cốt lõi trong "bộ 3 áp lực" này vẫn là nhu cầu suy yếu. Nếu cầu được cải thiện, kỳ vọng cũng sẽ được nâng lên".
Ông lý giải nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế không thể duy trì được là do nhu cầu suy yếu. Điều này là do tác động tiêu cực của đại dịch đối với thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, việc chính quyền địa phương cắt giảm chi tiêu cho các dự án hạ tầng và thắt chặt quy định với các doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến việc làm.
Về áp lực về nguồn cung, ông Wang Jun cho rằng, chủ yếu liên quan đến đại dịch và các biện pháp nghiêm ngặt nhằm giảm khí thải carbon của Trung Quốc. Các hạn chế liên quan đến COVID-19 cũng khiến gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra thiếu hụt các linh kiện quan trọng như chất bán dẫn.
Nhìn chung, bất ổn về việc làm và thu nhập khiến mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân giảm. Việc Bắc Kinh quyết liệt với nạn đầu cơ trên thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng đến nhận thức của các hộ gia đình về sự giàu có, vì phần lớn tài sản của người dân nằm trong bất động sản.
Theo nhà kinh tế Jianguang Shen tại JD.com, việc tiêu dùng phục hồi thế nào trong năm tới sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế. Theo ông, chính quyền có thể thúc đẩy tiêu dùng bằng cách phát phiếu mua hàng như Hong Kong đã làm.
Trong năm 2019 và 2020, doanh số bán lẻ của Hong Kong đã giảm mạnh khi các cuộc biểu tình làm gián đoạn nền kinh tế của thành phố này. Hồi tháng 8, chính quyền Hong Kong đã tung ra chương trình phiếu mua hàng, nhờ đó doanh số bán lẻ trong năm tính đến tháng 10 đã tăng 8,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc cũng đã giảm trong năm 2020, bất chấp nền kinh tế nói chung vẫn tăng trưởng. Với mức giảm này nên trong quý 1/2021 doanh số bán lẻ đã chứng kiến mức tăng vọt, tuy nhiên mức tăng đã chậm dần, đặc biệt kể từ mùa hè vừa qua. Tính chung 11 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ nước này vẫn tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính theo lĩnh vực, trong năm nay, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tiêu nhiều cho thực phẩm và quần áo hơn các dịch vụ như giáo dục, giải trí, các nhà phân tích Goldman Sachs ước tính. Họ hy vọng rằng sự phân hóa giữa hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm nhẹ trong năm tới.
Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 7%, tiêu dùng của các hộ gia đình trong năm tới vẫn dưới mức trước đại dịch. Điều này là do những cản trở từ chính sách “Zero COVID-19” của Trung Quốc và sự suy giảm của thị trường bất động sản.
Goldman Sachs dự báo, GDP của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ tăng 4,8%, giảm so với mức 7,8% dự kiến trong năm nay.
Larry Hu - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Macquarie cho biết trong báo cáo triển vọng: "bất động sản là thách thức lớn nhất về tăng trưởng cho năm 2022". Ông dự báo số liệu về nhà bán được trong năm tới sẽ còn giảm mạnh hơn. Đầu tư vào bất động sản cũng sẽ giảm 2%, sau khi tăng 4,8% năm nay.
Theo Larry Hu, chính sách bất động sản nên chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng phần nào trong năm tới. "Chúng tôi cho rằng giới chức Trung Quốc sẽ bảo vệ mức tăng trưởng 5%. Rủi ro là có thể họ sẽ hành động quá muộn, do không muốn bất động sản là động lực tăng trưởng", Hu cho biết.
Trong cuộc họp tháng này, giới chức Trung Quốc không ra tín hiệu sẽ thay đổi nhiều với chính sách bất động sản. Bắc Kinh vẫn duy trì quan điểm "nhà là để ở, không phải để đầu cơ".
"Có thể phải vài năm nữa, Trung Quốc mới giải quyết được hết các vấn đề của ngành bất động sản", ông Wang nhận định. Từ giờ đến lúc đó, ông dự báo chính phủ nước này cần phát hành trái phiếu và chi nhiều hơn để giúp các chính quyền địa phương bù đắp phần doanh thu hao hụt từ bán đất cho các hãng địa ốc.
Với chính sách kinh tế năm sau, Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh ổn định là ưu tiên hàng đầu. Trong năm nay, giới chức nước này cũng nhiều lần tuyên bố rằng chất lượng tăng trưởng quan trọng hơn tốc độ.
VTV.vn - Fitch Ratings ước tính, khoảng 1/3 trong tổng số 40 công ty bất động sản Trung Quốc có thể bị âm dòng tiền, trong khi doanh số bán nhà giảm đến 30% trong năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!